Hàng giả có chỉ tiêu chất lượng đạt 70% trở xuống so với tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hàng giả là hàng hóa có chỉ tiêu chất lượng đạt 70% trở xuống so với tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Phòng PC46 Công an tỉnh Bình Định kiểm tra hàng hóa nhập lậu. Ảnh: báo Bình Định.
Gian lận thương mại, hàng giả bùng phát
Theo thông tin từ BCĐ 389 Quốc gia, trong quý I năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 16.396 vụ vi phạm. Trong đó, có 3.424 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 11.491 vụ gian lận thương mại; 1.481 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, thu ngân sách nhà nước ước đạt 90 tỷ 300 triệu đồng.
Cũng trong quý I năm nay, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 2.688 vụ vi phạm. Trong đó, có 2.485 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 45 vụ gian lận thương mại; 158 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả); thu ngân sách nhà nước đạt 13 tỷ 400 triệu đồng; khởi tố 282 vụ/2342 đối tượng.
Theo đánh giá của đơn vị, tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên: tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng, xe ô tô, mỹ phẩm, pháo nổ, thuốc lá… ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Điển hình vào gày 23/01/2018, Phòng 7 – Cục C74 – Bộ Công an phát hiện, phối hợp với Phòng PC46 - Công an tỉnh Bình Định kiểm tra 02 xe ô tô Mazda, phát hiện trên xe đang vận chuyển thuốc lá nhập lậu và yêu cầu các đối tượng dừng xe để kiểm tra, song các đối tượng không chấp hành, bỏ chạy và vứt bỏ hàng hóa tại địa bàn thôn Phú Lục, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định.
Tang vật vi phạm gồm 15.300 bao thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ (10.000 bao nhãn hiệu Jet; 1.500 bao nhãn hiệu Craven 1500 bao; 2.500 bao nhãn hiệu Hero 2500; 1.300 bao nhãn hiệu Esse 1300).
Trên tuyến biên giới đất liền và cảng biển khu vực Nam Bộ, địa bàn trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang..., tình trạng buôn lậu quần áo, giày dép, đồ điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng… tiếp tục diễn ra phức tạp.
Điển hình, ngày 18/01/2018, Phòng 6 – Cục C74 – Bộ Công an phát hiện, phối hợp với Công an quận Tân Bình kiểm tra xe ô tô 51C-567.16 nghi vấn vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ kho TCS tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về kho hàng của cty TNHH Quốc tế Sáng tạo. Kết quả kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 52 Sầm Sơn, P4, Tân Bình, TP HCM đã phát hiện, tạm giữ 24 thùng carton chứa hàng hóa gồm quần áo, bánh kẹo, giày dép, nước hoa, loa, đồng hồ không có hóa đơn chứng từ, trị giá ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Tuyến hàng không, bưu điện quốc tế: các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các mặt hàng gọn nhẹ, có giá trị cao như rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại, vàng, ngoại tệ, đầu đĩa…
Điển hình, ngày 18/01/2018, Phòng 4 – Cục C74 - Bộ Công an phát hiện, phối hợp với Đội thủ tục hàng hóa nhập - chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài – Cục Hải quan TP. Hà Nộikiểm tra lô hàng hành trình từ Cộng hòa Séc về Việt Nam. Kết quả kiểm tra phát hiện và tạm giữ 12 đầu đĩa CD nhãn hiệu Philip, 01 âm ly, 02 cặp da, 18 bộ loa nhãn hiệu BOSS và JBL các loại (là mặt hàng đã qua sử dụng thuộc vào danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu).
Sửa quy định về xử phạt hàng giả, hàng cấm
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo nhận đình từ Bộ Công Thương, sau gần 5 năm thi hành, một số quy định của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ hạn chế, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn áp dụng.
Một số hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả chưa bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hành chính; (một số thuật ngữ chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính. Thêm vào đó, Nghị định thiếu một số hành vi vi phạm, chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả làm giảm hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Lực lượng quản lý thị trường tiêu huỷ hàng giả. Ảnh: báo Vĩnh Phúc.
Ngoài ra yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi một số quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP phải được sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe, phòng ngừa và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tính khả thi và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại trên thị trường. Với những yêu cầu đặt ra như trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là rất cần thiết.
Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về “Hàng giả” gồm: Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thuốc giả theo quy định tại Khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại Khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016…
Dự thảo nêu rõ, đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định, mức phạt tiền như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|