SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp là gì?

[17/04/2018 09:48]

Nguyên nhân nào dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, khoảng cách xa với các nước trong khu vực ASEAN và giải pháp nào để cải thiện năng suất lao động Việt Nam?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại Diễn đàn CEO 2018.

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp?

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, khoảng cách xa với các nước trong khu vực ASEAN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho thấy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh thế còn chậm, những ngành công nghiệp dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, nhất là ngành mũi nhọn như tài chính, tín dụng, du lịch.

Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động khu vực doanh nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn còn ít (chỉ chiếm 2,1%), doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.

"Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ, quá trình đô thị hóa chậm...", ông Lâm cho biết.

Giải pháp nào cho năng suất lao động Việt Nam?

Giải pháp về thể chế, chính sách được đề cập đầu tiên khi bàn về cách để tăng năng suất lao động của Việt Nam, kéo gần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam, đi học tập kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.

Bên cạnh xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, phát động phong trào tăng năng suất lao động trong tất cả khu vực của nền kinh tế, chọn một tháng trong năm làm tháng năng suất quốc gia và áp dụng cuộc cách mạng 4.0 vào dòng chảy kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, do đó, Tổng cục Thống kê đề nghị có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất.

Có chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất. Đồng thời, thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

"Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, năng suất lao động cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

www.vietq.vn (ntmoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ