SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khởi nghiệp: Cần làm “phép chia” để nhận lại… “phép nhân”

[19/04/2018 10:27]

Tính chất của mô hình kinh doanh bùng nổ chính là khả năng nhân rộng. Muốn làm được điều đó, startup cần làm “phép chia” nhằm trải lòng về mục tiêu và cách làm của mình với người khác.

Hai nhà khoa học trao đổi thông tin tại một sự kiện về khởi nghiệp nông nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Nhận định của ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tại một buổi tọa đàm về khởi nghiệp nông nghiệp do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức vừa qua.

Chia sẻ tri thức, kinh nghiệm mở ra cơ hội cho mình trở nên giàu có hơn

Ông Hiếu kể câu chuyện về chuỗi cửa hàng bán cà phê của một doanh nghiệp. Nhờ việc chia sẻ nguồn lực, hấp dẫn người khác bởi mô hình cửa hàng mình mà doanh nghiệp đó đã thu hút được nhiều người cùng hợp tác. Kết quả, sau một thời gian chia sẻ, chuỗi cửa hàng cà phê này đã rất thành công với con số hàng chục.

“Đó là điển hình cho phép nhân của mô hình kinh doanh từ sự chia sẻ. Nhiều người hỏi tôi rằng, chia sẻ như vậy thì rất dễ bị người khác cướp mất mô hình kinh doanh thành công.

Tôi đã nói rằng, cần phải có những biện pháp hóa giải vấn đề đó bằng những cam kết cụ thể và tất cả đều phải hướng đến mục tiêu chung” - ông Hiếu nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, GS Phan Văn Trường, Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng yếu tố chia sẻ chính là giá trị cốt lõi mà CLB muốn mang đến cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp.

CLB khởi nghiệp nông nghiệp sử dụng môi trường internet để các chủ dự án, các nhóm khởi nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công và cả thất bại trong quá trình khởi nghiệp. Những vấn đề chuyên môn như việc sử dụng đất, quản lý giống, phát triển mô hình nông nghiệp… cũng có thể được chia sẻ.

“Mỗi người đều là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Chúng tôi coi trọng tất cả các thành viên trong CLB và mỗi sự đóng góp của họ. Chia sẻ tri thức, kinh nghiệm tức là chúng ta mở ra cơ hội cho mình trở nên giàu có hơn” - GS Trường nhận định.

Ông Phạm Duy Hiếu, giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ ở một sự kiện về khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.

Khởi nghiệp cần nhìn nhận về văn hóa thất bại

Ông Phạm Duy Hiếu nhận định, câu chuyện khởi nghiệp thành công nhờ mô hình kinh doanh có tính bùng nổ chỉ có 10%, còn lại 90% là thất bại. Và người Việt chưa có văn hóa thất bại chính là một trong những rào cản đối với những người mới bắt đầu khởi nghiệp. Họ có thể sẽ rất mệt mỏi, thậm chí là gục ngã trên “chiến trường” khi nhận được những dè bỉu của xã hội nếu thất bại.

Ông Hiếu chia sẻ, quan niệm về sự thất bại nên xem là bệ đỡ cho những thành công sau này. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, khi khởi nghiệp thất bại một lần, thì tỉ lệ thành công trong dự án sau đó sẽ tăng lên 20%.

“Cứ như vậy, thất bại càng nhiều, thì khả năng thành công trong dự án lẽ tăng lên. Quan trọng nhất là chủ dự án có hết mình, toàn tâm toàn ý và đủ nhiệt huyết cho dự án khởi nghiệp của mình hay không” - ông Hiếu nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, đến từ tổ chức CPG Consultants (Singapore) chia sẻ, ở nước ngoài, thất bại luôn được chấp nhận như là một phần của sự thành công.

Ông Dũng nêu ví dụ, ở Việt Nam khi học sinh làm một bài hóa học kết quả cuối cùng không phải là chất đó thì sẽ phải nhận điểm kém. Tuy nhiên ở Châu Âu, người giáo viên sẽ luôn lắng nghe lý do tại sao ra kết quả như thế, và có những định hướng sáng tạo cho học sinh.

“Thất bại chỉ thật sự là thất bại khi ta chấp nhận nó. Khi con người đón nhận những thất bại bằng việc xem nó là trải nghiệm thì lúc đó thất bại sẽ là một phần của thành công. Hãy luôn hướng cho người khác làm những điều mới mẻ và say mê nó và đừng coi nó là thất bại ngay cả như việc làm một bài hóa ở ví dụ trên” - ông Dũng chia sẻ.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ