Xuất khẩu nông sản: Kỳ vọng xa vời
Ngành nông nghiệp đang kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, mục tiêu này liệu có đạt được khi các doanh nghiệp trong cuộc đang vật lộn với nhiều lô hàng bị trả về.
Ông Đàm Quang Thắng - TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết, chỉ ba chuyến hàng xuất khẩu xoài gần đây, doanh nghiệp ông đã lỗ gần 3 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng.
Chỉ ba chuyến hàng xuất khẩu xoài trong 1 tháng, Công ty TNHH Agricare Việt Nam đã lỗ gần 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp “chết dở”
“Việc xuất khẩu hoa quả này thực sự quá nhiều rủi ro. Cơ chế không có, công nghệ không có, thông tin thị trường không có, doanh nghiệp đang phải tự bơi…”, ông Thắng nhìn nhận.
Thực tế, đây không phải lần đầu doanh nghiệp này gặp thiệt hại trong việc xuất khẩu hoa quả. Trước đó, tháng 8/2017, Agricare cũng đã thiệt hại lớn khi hai lô hàng khoảng hơn 400 tấn vải vừa sang tới cảng hàng không phía Úc cũng phát hiện các lô vải đã bị thối, hỏng, bị hủy đơn hàng, thiệt hại uy tín và tiền bạc lớn.
Mặc dù nguyên nhân thiệt hại những lô xoài gần đây đang được doanh nghiệp này làm rõ và thống kê chi tiết, tuy nhiên, theo ông Thắng không loại trừ nguyên nhân về công nghệ bảo quản.
Nói như ông Thắng, giá thành sản xuất còn cao trong khi công nghệ sản xuất, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu còn ở mức độ thấp khiến doanh nghiệp “chết dở” khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Điều này khiến hoa quả Việt dù rất đa dạng nhưng chưa xâm nhập được vào những thị trường khó tính với yêu cầu chất lượng ngặt nghèo.
Theo Bộ NN-PTNT, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Đặc biệt, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở mức 25 - 30%.
Cơ chế cho sáng chế, công nghệ trong nước
Được biết, hiện đang có ba nguồn cung công nghệ bảo quản nông sản gồm: thứ nhất nhập khẩu; thứ hai từ các nhà nghiên cứu trong nước tại các Viện, các trường; thứ ba là từ các nhà chế biến không chuyên.
Với nguồn nhập khẩu, TGĐ Công ty Agricare Việt Nam đánh giá, có nhiều ứng dụng công nghệ tốt nhưng lại không phù hợp với điều kiện của Việt Nam hoặc quá đắt, chỉ có thể tham gia vào một số thị trường có giá bán sản phẩm cao, chứ không phải sản phẩm xuất đi tất cả các thị trường đều có thể chịu được chi phí từ công nghệ ấy…
“Doanh nghiệp chúng tôi sử dụng công nghệ trong nước từ các Viện nghiên cứu. Tuy nhiên, khi rủi ro xảy ra lại không có đơn vị nào đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp, thiệt hại, rủi ro doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu”, ông Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, để phát triển công nghệ cho nông nghiệp trong nước, đơn vị sáng lập lại vấp phải quá nhiều vấn đề về quy chuẩn, quy trình thủ tục chứng nhận. Còn nếu để doanh nghiệp xuất khẩu tự xoay sở thì vô cùng khó khăn với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản lý giải rất ngại đầu tư hệ thống kho trữ lạnh sau thu hoạch vì nguyên nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, trong khi chi phí đầu tư kho lạnh khá cao và việc vận hành làm tăng giá thành sản phẩm nông sản.
Do đó, TS Đào Thế Anh đề xuất, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đầu tư kho lạnh, phục vụ công tác trữ lạnh, bảo quản nông sản sau thu hoạch của các doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, cần cơ chế hỗ trợ các sáng chế, công nghệ trong nước giúp bảo quản nông sản sau thu hoạch hiệu quả, với giá rẻ hơn so với công nghệ nhập ngoại.