Xuất khẩu quặng tồn kho chỉ là giải pháp tình thế
Đó là khẳng định của Bộ Công Thương liên quan đến việc cho phép xuất khẩu một số quặng tồn kho thời gian vừa qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Vận chuyển quặng xuất khẩu. Ảnh minh họa
Do giá kim loại và khoáng sản giảm sâu, việc chế biến sâu một số khoáng sản gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thu hút đầu tư các dự án chế biến khoáng sản theo quy hoạch gặp khó khăn, Chính phủ đã có chủ trương không xuất khẩu một số khoáng sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua một số sản phẩm như quặng sắt, quặng titan ở trong nước cung vượt xa cầu, tồn kho cao, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, người lao động không có việc làm, điều này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Từ những lý do nêu trên, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu một số khoáng sản tồn kho gồm tinh quặng titan, tinh quặng sắt (quặng sắt tồn kho và limonit), đá ốp lát dạng khối, đá hoa trắng dạng khối. Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh kiểm tra, giải quyết xuất khẩu cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, khai thác quặng sắt trong năm 2017 với khối lượng 398.000 tấn quặng sắt manhetit và 302.500 tấn quặng sắt limonit. Đồng thời, giải quyết cho 17 doanh nghiệp có tinh quặng ilmenite tồn kho xuất khẩu 940.000 tấn tính đến ngày 30/4/2018.
Bộ Công Thương khẳng định, việc giải quyết xuất khẩu quặng tồn kho chỉ là giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.
Về dài hạn, đối với quặng sắt manhetit sẽ không xuất khẩu để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy gang thép trong nước có nhu cầu. Đối với một số loại khoáng sản quan trọng như quặng sắt limonit, hiện nay chỉ có Nhà máy gang thép Lào Cai sử dụng 70-80%, Thép Hòa Phát bắt đầu từ năm 2018 cũng có nhu cầu mua để phối trộn sử dụng cùng với quặng sắt khác, tuy nhiên theo cân đối loại quặng này còn thừa. Bộ Công Thương cho rằng, Chính phủ nên xem xét giải quyết xuất khẩu một phần để các dự án mỏ đã được cấp phép hoạt động có hiệu quả.
Đối với quặng titan, hiện công suất các mỏ được cấp phép quá lớn (khoảng 1.500.000 tấn Ilmenit/năm), trong khi nhu cầu thực tế cung cấp cho các dự án chế biến sâu trong nước chỉ khoảng 300.000-400.000 tấn ilmenit/năm. Thời gian qua, phần lớn các mỏ khai thác quặng titan đã tạm dừng sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm, tồn kho vẫn cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đang rà soát, điều chỉnh theo hướng cân đối giữa khai thác và chế biến nhằm đảm bảo tính hợp lý giữa cung và cầu, qua đó sẽ đề xuất cụ thể các giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định./.
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)