SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vì sao dán nhãn năng lượng tốn nhiều thời gian, chi phí?

[18/06/2018 14:16]

Vì sao dán nhãn năng lượng tốn nhiều thời gian, chi phí?

Theo chuyên gia GIG, dán nhãn năng lượng đang là thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí nhất hiện nay. Ảnh minh họa

Đó là nhận định của Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đưa ra tại cuộc họp về thực thi Nghị quyết 19 do VICEM tổ chức.

Theo ông Phạm Thanh Bình có nhiều yêu cầu cải thiện kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chưa đạt được như yêu cầu đề ra tại các Nghị quyết 19. Cụ thể, về yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN, yêu cầu của Nghị quyết 19 là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN trong KTCN. Đến nay, đã áp dụng trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, còn các lĩnh vực khác về cơ bản là chưa áp dụng. Cùng với đó, yêu cầu áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý KTCN đến nay cũng chưa có lĩnh vực quản lý KTCN nào áp dụng.

Theo thông tin được chuyên gia đến từ GIG cung cấp, việc thực hiện yêu cầu về áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế chưa có chút tiến bộ nào. Cụ thể, chưa có bộ nào áp dụng việc đẩy mạnh công nhận lẫn nhau trong KTCN. Việc chủ động công nhận chất lượng của các nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa đựoc sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật…) cũng chưa có bộ nào công bố áp dụng, kể cả trường hợp đã được công bố tại luật.

Liên quan đến thay đổi cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, ông Phạm Thanh Bình cho biết, đây đang là thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí nhất hiện nay. Theo đánh giá của một tổng chi phí kiểm tra, chứng nhận hợp quy là trên 149 triệu đồng cho 4 model tủ đông công nghiệp. Về yêu cầu liên quan đến bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục công bố hợp quy, hợp chuẩn, theo chuyên gia của GIG, nhìn chung thủ tục công bố hợp quy hợp chuẩn chưa có thay đổi đáng kể. Đơn cử, việc công bố sản phẩm đối với sản phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm cho em bé thời gian khoảng 3 tháng do Sở Y tế (TP.HCM) yêu cầu bổ sung nhiều hơn 1 lần dẫn đến DN phải làm đi làm lại.

“Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận và rút ngắn thời gian thông quan sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”, ông Bình nhận xét và cho biết, qua rà soát tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, có 25 nhóm mặt hàng chịu sự quản lý chồng chéo giữa các Bộ, các cơ quan với nhau nhưng khi rà soát phần lớn nằm trong Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra theo ông Bình, mặc dù ngành Hải quan đã áp dụng phương thức quản lý rủi ro, nhưng các quyết định phân luồng, phân loại chưa đảm bảo chính xác, làm cho doanh nghiệp phân vân về tính khách quan của các Nghị định. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro còn phân tán, dữ liệu lạc hậu và không chính xác gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 năm 2018 tiếp tục đặt ra là các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ các Nghị quyết 19 trước chưa thực hoàn thành phải tiếp tục thực hiện, như: áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN; áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý KTCN; chủ động công nhận chất lượng của các nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến; điện tử hóa thủ tục quản lý KTCN; thay đổi cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dựng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, KTCN của nhiều hơn một cơ quan; giảm ít nhất 50% mặt hàng phải KTCN; giảm tỷ lệ các lô hàng NK phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn dưới 10%; triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới qua một cửa quốc gia và một cửa ASEAN… Chưa kể, hiện có nhiều vấn đề có cách hiểu khác nhau trong KTCN cũng đang gây cản trở, khó khăn cho việc thông quan hàng hóa XNK. Đây cũng là nhóm nội dung cần được thống nhất để tạo thuận lợi cho KTCN.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ