Việt Nam vẫn còn chập chững trong áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch thông tin
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi đề cập đến vấn đề minh bạch thông tin trong nông nghiệp Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ Blockchain đang là một xu thế. Ảnh minh họa
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, minh bạch về thông tin là vấn đề còn yếu của nông nghiệp Việt Nam. Áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc là việc cần làm để tăng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm nông nghiệp sạch.
"Chúng ta hiểu về chuỗi giá trị chưa rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào chuỗi cũng chưa có nhiều thành tựu. Chuỗi giá trị cần phải minh bạch thông tin. Làm sao để người khác biết rõ về sản phẩm, có thực sự sản xuất đúng quy trình hay không có chất hóa học hay không? Nếu không làm được việc này, tất cả đều bị tiêu diệt, cả người tốt lẫn người xấu" – ông Nguyễn Đức Thành khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì người sản xuất sản phẩm tốt mới tồn tại được. Họ sẽ tiếp tục phát huy và như vậy nông nghiệp mới nâng được giá trị. Qua đó, cả chuỗi giá trị mới phát triển và phần lợi ích mà người Việt Nam được hưởng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, những vướng mắc hiện nay có thể lại không đến từ vấn đề công nghệ. Bởi lẽ công nghệ hiện đã có sẵn, doanh nghiệp cũng nhạy bén trong việc ứng dụng.
"Truy xuất nguồn gốc mới làm được phần nhỏ. Đại đa số là sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm có nguồn gốc cũng chưa có giá trị cao. Như vậy, công nghệ giúp giảm chi phí truy xuất nguồn gốc,... Bất cập hiện nay là Việt Nam đi sau và chỉ có cách sử dụng công nghệ. Nhưng để ứng dụng lên toàn bộ nền nông nghiệp thì sẽ gặp phải nhiều vấn đề, vướng vào nhiều vấn đề liên quan tới thể chế, đất đai, tổ chức hiệp hội, tổ chức sản xuất" – ông Nguyễn Đức Thành đánh giá.
Blockchain - Công nghệ mới truy xuất nguồn gốc nông sản
Hiện nay, Blockchain là công nghệ mới sẽ giúp xử lý bài toán truy xuất nguồn gốc nông sản để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm an toàn.
Theo ông Vũ Trường Ca, nhà sáng lập công ty cổ phần công nghệ Lina Network khẳng định, công nghệ Blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
"Blockchain được nhắc đến nhiều qua Bitcoin. Nhưng đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng" – ông Vũ Trường Ca nói.
Thực tế cho thấy, trước đây, dù xoài Cát Chu, xoài Cao Lãnh đã được tỉnh Đồng Tháp cho dán tem chứng nhận trên từng quả nhưng tình trạng làm tem giả diễn ra quá dễ dàng khiến xoài Cát Chu hay xoài Cao Lãnh bị giả xuất xứ nguồn gốc, ảnh hưởng đến thương hiệu xoài của Hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương sản xuất và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với việc ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc hiện mọi việc đã thay đổi.
Nhờ công nghệ Blockchain, khi cầm trên tay quả xoài của HTX Mỹ Xương - Đồng Tháp, người tiêu dùng có thể biết được quá trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng của sản phẩm, thậm chí quả xoài đang chua cũng được khuyến cáo.
Hiện, Blockchain được biết đến như một công nghệ giúp minh bạch thông tin, khi phát hiện ra một khâu nào đó hàng nhái hàng giả thì có thể dùng blockchain để track back lại, xem sản phẩm này đã đi qua những khâu nào, từ đó thu hẹp lại phạm vi tìm kiếm. Theo các chuyên gia, bản thân blockchain không phải là công nghệ chống hàng giả. Nó chỉ truy vết lại.