Youth Co:Lab - Chất xúc tác đổi mới sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp
Youth Co:Lab - Chất xúc tác đổi mới sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp.
Một dự án sáng tạo xã hội của các bạn học sinh trường phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM với sản phẩm máy đọc sách dành cho người khiếm thị, được giới thiệu tại Saigon Innovation Hub. Ảnh: Hà Thế An.
Theo một thống kê, hiện có khoảng 300 triệu thanh niên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thất nghiệp và thất học và đang trong tình trạng bất ổn về kinh tế. Ngoài ra, nhiều thanh niên chưa được tham vấn trong quá trình hoạch định cuộc đời, khiến họ bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Từ những vấn đề trên, Chương trình mang tên “Youth Co:Lab” được tổ chức dành cho thanh niên phát huy khả năng đổi mới sáng tạo và kinh doanh, khởi nghiệp. Hoạt động này do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Quỹ Citi Foundation và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
“Youth Co:Lab” được xây dựng nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại VIệt Nam thiết kế và triển khai các ý tưởng và mô hình kinh doanh đem lại ảnh hưởng xã hội tích cực cho cộng đồng
Chương trình này nhằm hỗ trợ thanh niên với các trọng tâm là các hoạt động hội thảo, đào tạo, kết nối cộng đồng… Đây được xem là chất xúc tác đổi mới sáng tạo của thanh niên, tạo cơ hội tiếp cận dữ liệu và nghiên cứu tốt hơn, trao quyền cho thanh niên thông qua công nghệ, đảm bảo công bằng bình đẳng cho thanh niên, và thúc đẩy sự lãnh đạo của thanh niên.
Chương trình “Youth Co:Lab” cũng được kỳ vọng kết nối các thanh niên kinh doanh khởi nghiệp, nhà ươm mầm, nhà tăng tốc khởi nghiệp và các quỹ đầu tư nhằm tạo nên một mạng lưới hỗ trợ sáng kiến của thanh niên kinh doanh khởi nghiệp xã hội.
Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ các cơ chế tài chính để thanh niên có thể đóng góp toàn diện trong việc thực hiện các dự án mang mục tiêu phát triển bền vững.
Nằm trong dự án RYPLIE, sáng kiến Youth Co:Lab hỗ trợ thanh niên đổi mới sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp và lãnh đạo thông qua các hoạt động được hợp tác và kết nối trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó chương trình sẽ được tổ chức tại Saigon Innovation Hub và Up BK TP.HCM trong 3 ngày, từ 22 đến 24/06.
Ngày thứ nhất có chủ đề “Phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững”. Theo đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức buổi đối thoại về hỗ trợ khởi nghiệp bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ tham vấn các bên liên quan nhằm phối hợp hiệu quả và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phát triển, học viện, nhà đầu tư và thanh niên kinh doanh khởi nghiệp.
Buổi đối thoại nhằm đạt được mục tiêu phát triển một kế hoạch phối hợp nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam và các bên liên quan.
Trong ngày thứ hai và thứ ba, chủ đề được lựa chọn là “Đào tạo cho thanh niên về đổi mới sáng tạo và bền vững”. Sau quá trình tuyển chọn, các dự án khởi nghiệp bền vững sẽ được đào tạo về tư duy thiết kế, phát triển các kĩ năng thế kỉ 21, xây dựng mô hình kinh doanh.
Mục tiêu mà Ban tổ chức hướng tới trong hoạt động này là thúc đẩy, truyền cảm hứng và hỗ trợ thanh niên sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp xã hội phát triển ý tưởng thành khởi nghiệp bền vững.