Việt Nam thu hút đầu tư khởi nghiệp dù chưa có startup 'kỳ lân'
Theo một số quỹ ngoại, khởi nghiệp Việt Nam hiện cho thấy sự phát triển tăng vọt dù còn ở giai đoạn đầu và chưa có công ty "kỳ lân".
Thị trường khởi nghiệp Việt Nam hiện tại thiếu vắng sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp được định giá trên một tỷ USD.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đón nhận làn sóng đầu tư lớn trong năm 2016 và 2017. Điều này giúp hình thành nền kinh tế khởi nghiệp ở nhiều nước, thu hút sự chú ý đến những quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Theo dữ liệu của Tech in Asia, Việt Nam thu hút được khoản đầu tư 61,5 triệu USD năm 2017. Tuy vậy, báo cáo Khởi nghiệp thường niên của Topica Founder Institute (TFI) năm 2017 ghi nhận tổng số tiền rót vốn vào Việt Nam đạt gần 300 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái với 92 thương vụ.
Theo TFI, con số 92 đã bao gồm cả các hợp đồng đầu tư không được tiết lộ nhưng thực tế có thể còn hơn. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu, trung bình cứ mỗi 57.982 người dân thì có một công ty khởi nghiệp ra đời.
"Tôi cho rằng một trong những lý do thu hút được đầu tư nước ngoài là sự xuất hiện của các startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Điều này giúp chiêu mộ các nhân tài nước ngoài đến làm việc. Tuy vậy, trong khi Indonesia tuyên bố đã có 4 startup kỳ lân, Việt Nam và Malaysia vẫn chưa xác nhận sự có mặt của bất kỳ công ty khởi nghiệp kỳ lân nào trong nước", ông Kuan Hsu, đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm KK Fund cho biết.
Ông cũng bổ sung nhiều người có thể phản biện Grab là một công ty Malaysia chỉ đăng ký kinh doanh tại Singapore nhưng trên thực tế, startup này đặt vẫn đặt trụ sở chính và phân bổ nhân sự ở Singapore nhiều hơn Malaysia.
Tương tự với startup Kyber Network do CEO người Việt Nam Lợi Lưu thành lập nhưng đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở chính tại Singapore. Tháng 7/2018, startup này nằm trong danh sách 50 công ty khởi nghiệp công nghệ và thu hút vốn đầu tư lớn nhất tại Đông Nam Á và được tính là startup của đảo quốc sư tử.
Trong năm 2017, các startup lĩnh vực thương mại điện tử dẫn đầu số lượng gọi vốn với 21 thương vụ, đạt xấp xỉ 83 triệu USD. Theo sau là các lĩnh vực công nghệ ẩm thực, fintech, truyền thông, vận tải và du lịch trực tuyến.
6 startup được rót vốn nhiều nhất, chiếm đến 198 triệu USD là Foody ( 82% cổ phần của startup này được Sea Group mua lại với 64 triệu USD); Tiki (gọi vốn vòng series C từ JD.com trị giá 54 triệu USD); một startup không tiết lộ nhận 20 triệu USD từ TNB Ventures và Vntrip (gọi vốn vòng series B từ Hendale Captital 10 triệu USD). Bên cạnh đó, Sea cũng mua lại hai startup công nghệ tài chính và logistic không được tiết lộ với giá 50 triệu USD.
Kuan Hsu cho rằng quy mô dân số của quốc gia cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là với các mô hình kinh doanh dựa vào mức độ tiêu thụ. Dân số càng lớn, khả năng tiêu thụ, mua bán hàng hóa càng cao và startup vì thế càng phát triển. Những quốc gia đông dân, cơ cấu dân số trẻ như Việt Nam, Indonesia có lợi thế này.
Tuy vậy, các startup đặt tại Malaysia với điều kiện vị trí địa lý gần Singapore có thể di chuyển vào quốc gia này dễ dàng để tiếp cận nguồn vốn cũng như mở văn phòng tại đây và dùng đó làm "cứ điểm" mở rộng sang thị trường các nước khác. Nhiều công ty khởi nghiệp tận dụng lợi thế này rất tốt và qua lại Singapore để gọi vốn trước cả khi ứng dụng gọi xe công nghệ tham gia vào thị trường.
Không giống như một vài quốc gia trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng đã sớm cho thấy sự phát triển nhảy vọt, Nikhil Kapur, người đại diện quỹ Gree Ventures cho biết.
"Thị trường Việt Nam khác biệt với những quốc gia còn lại trong khu vực nên chúng tôi cần thận trọng và thêm thời gian để đánh giá. Mỗi năm một lần, chúng tôi sẽ xem xét mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia này. Một số doanh nhân thực sự tốt đang bắt đầu xây dựng những công ty lớn", Kapur nói.
Ông Hsu cũng bày tỏ hy vọng quỹ KK Fund có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam vào cuối năm nay.