Từ bỏ học đến gây dựng startup kỳ lân
Tự nhận là học sinh kém, từng sa ngã nhưng Steven Lam từng bước tìm lại chính mình và gây dựng startup kỳ lân đầu tiên tại Hong Kong.
Steven Lam - đồng sáng lập startup kỳ lân Gogovan. Ảnh: Gogovan.
“Tôi luôn có vấn đề và là một trong những đứa trẻ tệ nhất”, Steven Lam nhớ lại thời còn đi học. Anh rớt đến ba lần trong kỳ thi chuyển cấp rồi bỏ học. Cậu con trai khiến cả gia đình đau đầu và bắt sang Mỹ mà không ấn định ngày trở về. Lam nói đó là chuyến bay một chiều đã thay đổi cuộc đời anh.
Không phải ngay lập tức cậu trai trẻ thời ấy chuyển đổi thành một con người khác. Trải nghiệm và môi trường mới ở California đã đặt Lam đứng trước nhiều áp lực và buộc phải thích nghi để tồn tại. Anh đăng ký vào trường cao đẳng cộng đồng và cố gắng cải thiện vốn tiếng Anh. Đồng thời, chàng sinh viên làm thêm ở một nhà hàng Trung Quốc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Chính môi trường đã khiến tôi phải tập trung toàn lực vào điều mình muốn làm là kiếm tiền để đảm bảo không bị đá văng khỏi trường, đơn giản vì tôi không thể trả nổi học phí”, anh hồi tưởng.
Trong thời gian này, Lam đã gặp hai người bạn mà anh mô tả rằng “tuyệt vời” là Reeve Kwan and Nick Tang. Cả ba học cùng lớp, cùng trường và cùng làm thêm tại nhà hàng Trung Hoa. Họ trò chuyện về tất cả mọi chủ đề trong cuộc sống, làm cách nào để tồn tại. Kiếm tiền để trả học phí là điểm chung và chủ đề thường trực của ba cậu sinh viên. Làm việc cho nhà hàng không đủ nên họ cố gắng định hướng suy nghĩ đến những ý tưởng điên rồ. Bộ ba bắt đầu mua những chiếc xe cũ trên eBay hoặc web quảng cáo Craigslist và tự sửa chữa theo các video hướng dẫn trên Youtube, sau đó bán cho bạn bè.
Năm 2010, Lam tốt nghiệp và đến phỏng vấn ở nhiều công ty nhưng liên tục bị từ chối trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc đó, anh nghĩ thay vì lãng phí thời gian và thụ động mong đợi thần may mắn mỉm cười, tốt hơn là thu gom mọi thứ và trở về Hong Kong. Anh dành ba đến bốn tháng để tìm việc ở quê hương nhưng vận may vẫn chưa gọi tên. Sau nhiều tháng, anh gặp lại hai người bạn ở Hong Kong và mọi người đều nghĩ tại sao không tái hiện những việc điên cuồng mà họ từng làm cùng nhau thời còn ở Mỹ.
Ngày xưa ấy, trong vai trò nhân viên giao hàng, công việc hằng ngày của ba người là vận chuyển những hộp thức ăn trưa cho nhà hàng. Mặt trên chiếc hộp có chữ “Chúc bạn một ngày tốt lành” và cứ mỗi chiếc hộp dùng bọc gấp lại tựa như đang nói với Lam và bạn của mình rằng “Hãy có một ngày thật tuyệt nhé”.
“Nhưng tôi là một anh chàng giao hàng, tôi thật sự không có một ngày tốt đẹp chút nào”, anh kể với giọng dí dỏm. Vì ý nghĩ đó, họ nảy ra ý tưởng sửa lại câu thông điệp bằng một sticker. Khi gặp lại tại Hong Kong, ba người bạn nghĩ tại sao lại không làm một thứ giống như thế, bằng cách đặt thông điệp trên những chiếc hộp đồ ăn mang về ở Hong Kong. Trong chín tháng, công ty đã phát triển tốt chỉ bằng việc phân phối hàng trăm chiếc hộp mỗi ngày và sau đó con số tăng lên trên 100.000.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà họ gặp phải là khâu giao hàng khi không có nguồn quỹ để mua xe hơi hoặc xe tải và phải nhờ đối tác trung gian. Nhưng các công ty này sẽ không bao giờ cam kết sẽ giúp có thể đúng hẹn trong 50 phút, 30 phút hoặc một giờ, thỉnh thoảng có lúc chẳng có lấy một người giao hàng nào. Vì thế, Lam và đồng sự bắt đầu nói chuyện cùng các lái xe và hỏi thử xem liệu họ có muốn gia nhập mạng lưới của mình thông qua ứng dụng Whatsapp. Họ cũng bắt đầu hỏi các tài xế là không biết tại sao khi gọi thì chẳng có ai bắt máy trong lúc chỉ cần bước ra đường và vẫy một chiếc taxi thì họ luôn sẵn sàng. Lam nói có rất nhiều vấn đề trong ngành công nghiệp này. Các tài xế sử dụng tần số radio để giao tiếp với nhau nhưng thiết bị lại không hoạt động hoặc thời tiết không tốt. Sau một thời gian, nhìn thấy cơ hội lớn, ba người bạn họp lại vào tháng 3/2013, đăng ký công ty với tên Gogovan vào tháng 6 và chính thức ra mắt dự án kết nối giao hàng một tháng sau.
Hầu hết những tài xế mà họ nói chuyện trong thời gian đó đều nghĩ rằng đầu óc của những con người này có vấn đề. “Này nhóc, cháu có biết công việc này là như thế nào không? Chúng tôi không động vào điện thoại, biết chưa? Việc này rất là nguy hiểm”. Đó là câu trả lời thường trực họ nhận được. Tuy nhiên, ba đồng sáng lập không bỏ cuộc và sau nhiều tháng đã thuyết phục được nhiều tài xế tham gia mạng lưới của mình và con số tăng dần theo thời gian.
Gogovan khởi đầu chỉ với 2.000 HKD nhưng số tiền nhanh chóng vơi đi. Vòng gọi vốn đầu tiên của họ đạt giá trị 100.000 HKD từ Cyberport. “Số tiền đó đã cứu sống chúng tôi”, Lam nói. Nhưng cũng thời điểm ấy, các nhà đồng sáng lập hiểu rằng số tiền này không thể giúp duy trì dự án trong một thời gian dài. Họ tiếp tục nghĩ đến những phương án khác, bằng cách tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ mạo hiểm.
Có một câu hỏi mà Lam thường đặt cho các nhà đầu tư: “Nếu sở hữu 100% miếng bánh thị trường, mỗi công dân hay người cư ngụ tại Hong Kong sử dụng dịch vụ của ngài một lần mỗi năm, đó là trường hợp ngài có thể kiếm một HKD từ mỗi người Hong Kong một năm. Với dân số trên 7 triệu người, ngài đòi hỏi tôi phải đưa một hay hai triệu HKD thì cán cân ở đây sẽ như thế nào”. Với thị trường giới hạn như thế, Gogovan đã không nhận được nhiều hỗ trợ.
Tuy nhiên, rất may mắn là sau đó họ tìm được một nhà đầu tư thiên thần người Singapore và ông tin rằng mô hình có thể hoạt động đơn giản tại quốc gia của mình. Cũng từ đây, tháng 6/2014, Gogovan bắt đầu tiến vào thị trường đảo quốc sư tử. Rất nhanh ngay sau đó, họ đã gọi vốn vòng series A trong việc tập trung mở rộng tại Đông Nam Á.
“Khi nhìn lại, tôi thấy đó không phải là lựa chọn tốt nhất nhưng tại thời điểm ấy thì là một quyết định đúng đắn. Nếu hỏi mình lại lần nữa, tôi nghĩ nên mở rộng sớm hơn ở Trung Quốc”. Lam giải thích, thời điểm gọi vốn series B, Gogovan đã thu hút được một nhà đầu tư rất đáng lưu tâm của Trung Quốc. Sau ba năm gia nhập thị trường này, nhà sáng lập 32 tuổi đánh giá rất cao hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. “Thị trường đang phát triển rất nhanh, các vấn đề bảo mật, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều”, anh đánh giá.
Gogovan là startup kỳ lân đầu tiên ở Hong Kong, có giá trị đạt trên một triệu USD, hoạt động khắp Đông Nam Á và Trung Quốc. Mới đây, công ty đã gọi vốn thành công 250 triệu USD từ nhiều quỹ với InnoVision Capital đứng đầu, trong đó có Cainiao được dẫn dắt bởi gã khổng lồ Alibaba. Công ty dự định sử dụng số tiền này để mở rộng kinh doanh vào các thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ và Đông Nam Á.
Nói về chặng đường đã qua, Lam tự nhận đó là “một ý tưởng điên rồ”, nhưng anh lại “rất vui khi điên rồ như thế”.