Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ
Hội thảo “Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội.
Hội thảo ghi nhận ý kiến của nhiều luật sư, đại biểu đóng góp vào việc khắc phục một số bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ, sửa đổi hoàn thiện Luật.
Về quy định chung của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sư, Tiến sỹ Dương Tử Giang cho rằng cần sửa đổi Khoản 1, Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ: “Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam”. Bởi việc không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là chưa phù hợp với cam kết gia nhập WTO.
Với các rà soát liên quan đến nhãn hiệu, các luật sư cho rằng, quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu là “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó” không còn phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa.
Trên thực tế, bên đặt gia công hàng hóa - thường là người trực tiếp đưa hàng hóa ra thị trường, phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu trước các bên thứ ba và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước người tiêu dùng, còn bên nhận gia công hàng hóa - người trực tiếp sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của bên đặt gia công chỉ phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước bên đặt gia công, và không phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu. Bên nhận gia công hàng hóa có thể bị thay đổi phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa mà họ cung cấp cho bên đặt gia công.
Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc bổ sung quy định về việc bảo hộ tài sản trí tuệ của nhà nước. Trên thực tế, nếu chủ nhãn đối chứng cấp thư đồng ý, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chấp thuận cho đăng ký các nhãn hiệu tương tự. Điều này xuất phát từ quan điểm rằng quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền dân sự nên cơ quan nhà nước cần tôn trọng thỏa thuận giữa các bên.
Đối với bồi thường thiệt hại, thạc sĩ Đoàn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Luật IP-MAX cho rằng rất khó chứng minh một cách đầy đủ tổn thất bởi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra những tổn thất gián tiếp như giảm thu nhập lợi nhuận, cơ hội kinh doanh… Điều này, dẫn đến Tòa án áp dụng mức bồi thường quá thấp, không đủ răn đe. Do đó cần xem xét yếu tố lỗi trong xác định bồi thường. Ví dụ lỗi cố ý, thì mức bồi thường gấp nhiều lần so với vô ý.
Ngoài ra, các đại biểu, luật sư cũng đóng góp các ý kiến xung quanh các vấn đề khác liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ quyền tác giả…
http://baodientu.chinhphu.vn (nvdat)