Mảnh đất màu mỡ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Nhiều năm đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi còn trong 'trứng nước', vườn ươm doanh nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM đã bắt đầu có những dự án đã được thương mại hóa và thành công trên thị trường.
Công ty phân bón Bạch Mã của Nguyễn Tiến Đạt (phải) tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam cho nông dân tại Tiền Giang. Ảnh: CTBI.
Tập trung cho nông nghiệp
Vườn ươm doanh nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM cùng với Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ của ĐH Bách khoa TP.HCM là một trong hai vườn ươm nằm trong trường ĐH.
Hai vườn ươm này là sáng kiến của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm tạo doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu trong trường ĐH.
Theo Th.s Võ Sỹ, đại diện Vườn ươm ĐH nông lâm TP.HCM, hiện nay đơn vị đang hỗ trợ ươm tạo khoảng 13 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp được chọn ươm tạo chuyên sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp như: Đông trùng hạ thảo, giá thể phục vụ nông nghiệp, phụ phẩm sinh học, phân bón, các loại tinh dầu…
Để tuyển chọn các dự án, hằng năm vườn ươm tổ chức các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp để tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới, có tính thương mại hóa cao.
Sau đó, vườn ươm sẽ hỗ trợ các dự án tư vấn về các thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ về cơ sở vật chất về văn phòng làm việc. Với lợi thế là quỹ đất, hiện nay vườn ươm doanh nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM đều có các khu thử nghiệm với nhà kính, các khu tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao…
Theo Th.s Nguyễn Đỗ Ngọc Hân, chuyên viên hỗ trợ doanh nghiệp của vườn ươm ĐH Nông lâm TP.HCM, đơn vị còn tổ chức các khóa đào tạo, mời các giảng viên có chuyên môn tập huấn về gọi vốn, kỹ năng thuyết trình, tư vấn về sở hữu trí tuệ…
“Những doanh nhân thành đạt trưởng thành từ các dự án khởi nghiệp đã quay trở lại chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp dành cho các thế hệ sinh viên của trường. Những buổi nói chuyện như vậy, giúp sinh viên nhìn nhận rõ ràng hơn về khởi nghiệp và xác lập nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng để khởi nghiệp thành công”- Th.s Hân chia sẻ.
Th.s Võ Sỹ giới thiệu một số sản phẩm chế phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp đang ươm tạo tại trung tâm. Ảnh: Hà Thế An.
"Quả ngọt" từ những dự án khởi nghiệp
Nhiều năm đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp, vườn ươm đã bắt đầu có những dự án đã được thương mại hóa và thành công trên thị trường.
Nguyễn Tiến Đạt là cựu sinh viên ngành bảo vệ thực vật khóa 34 của ĐH nông lâm TP.HCM. Sau khi vào vườn ươm, Đạt đã thành lập doanh nghiệp với tên gọi công ty phân bón Bạch Mã. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón sinh học, Đạt đã tổ chức tập huấn cho người dân những mô hình sản xuất hiệu quả nhờ áp dụng những sản phẩm của mình.
“Điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là tìm được những cộng sự trên con đường khởi nghiệp với nhiều bạn trẻ cùng đam mê nông nghiệp. Đây là đội ngũ những kỹ sư để đóng góp tích cực vào công tác khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân các tỉnh Tây Nam Bộ và Miền Trung”- Đạt nói.
Mới đây, công ty của Đạt đã gọi vốn thành công từ Tập đoàn An Bình với số tiền 800 triệu đồng để sở hữu 49% cổ phần của công ty.
Không chỉ Đạt, Th.s Lê Tấn Thanh Lâm, Giám đốc công ty Gia Đình Xanh, đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường. Anh Lâm chia sẻ, đơn vị bắt đầu ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM từ năm 2015.
Công ty Gia Đình Xanh của anh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các lại máy chế biến nông sản như máy sấy, máy nghiền, máy sàng… Ngoài ra, doanh nghiệp này còn làm các sản phẩm các loại bột nghệ, chùm ngây, trà xanh...
Nhờ sự hỗ trợ của Vườn ươm, hằng năm, doanh nghiệp Lâm tham dự từ 5 - 6 triển lãm kết nối giao thương. Vườn ươm còn hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu như nhà kính phục vụ việc ươm giống, hỗ trợ hoạt động marketing như in tờ rơi, áo truyền thông…
“Sau 3 năm ươm tạo tại Vườn ươm ĐH Nông lâm TP.HCM, chúng tôi đã bắt đầu kinh doanh có lãi. Mức lãi hằng năm vào khoảng 200 - 300 triệu đồng. Vườn ươm là nơi hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn ban đầu, và trong hành trình khởi nghiệp mỗi người phải luôn ở trong tâm thế chủ động với sản phẩm và công nghệ của mình”- Lâm chia sẻ.
Một hội thảo về khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Ảnh: CTBI.
Cán bộ quản lý cần được đào tạo và phải liên kết vườn ươm
Nhiều năm làm công việc hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng nhân sự của Vườn ươm doanh nghiệp ĐH nông lâm TP.HCM đều là những người tay ngang. Hiện tại vườn ươm có 3 chuyên viên, nhưng đều là những người chưa được đào tạo về khởi nghiệp.
Th.s Võ Sỹ là người duy nhất vừa hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ vườn ươm của tổ chức JICA (Nhật Bản) và chương trình ToT của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCMC).
Th.s Sỹ cho rằng, hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều vườn ươm, cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, mối liên kết giữa các tổ chức này thường là các quan hệ cá nhân mà chưa có những liên kết chặt chẽ, có quy củ và mang tính hệ thống.
Vì thế, cần một “nhạc trưởng” để có thể tập hợp các tổ chức lại nhằm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhằm hỗ trợ đắc lực cho hoạt động khởi nghiệp.
Sắp tới, Vườn ươm ĐH Nông lâm TP.HCM sẽ xây dựng một khung chương trình đào tạo chuẩn về khởi nghiệp cho sinh viên. Phát triển trung tâm thành đơn vị hàng đầu trong hoạt động ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; Liên kết với các đơn vị, tổ chức phía Nam nhằm đưa hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực hơn.