Lời khuyên cho startup: Làm thế nào để hợp tác với "cá lớn"?
Việc hợp tác với những người từ các nền tảng khác sẽ tạo ra những giá trị đặc biệt. Vì vậy, trên con đường tìm giải pháp để giải quyết các thách thức lớn trong kinh doanh, các tập đoàn lớn có xu hướng bắt tay với các dự án khởi nghiệp.
Để thành công, startup cần biết cách hợp tác với "cá lớn". Ảnh: Jim Nelson
Theo bà Barbara Guerpillon - người đứng đầu mảng sáng tạo của Unilever Foundry (một dự án cho phép các thương hiệu thử nghiệm những công nghệ và ý tưởng mới nhanh chóng hơn so với mô hình cũ) tại khu vực Đông Nam Á và Australia đã chia sẻ: “Bạn có một bên là các thương hiệu rất lớn với mô hình tiếp thị rất chuyên nghiệp, còn một bên là các startup với tính linh động cùng các công nghệ mới nhất, và khả năng phát triển rất nhanh. Đó là những điểm rất thú vị. Hơn như thế, nếu bạn gộp tất cả những điều đó lại, thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.
Tuy nhiên, cùng với khả năng giúp ích cho sự đổi mới, việc đa dạng hóa cũng dẫn đến một số thách thức. Để đảm bảo việc hợp tác được “mượt mà”, ông Oliver Gilbert - Giám đốc Next Billion, một startup đã hợp tác với Unilever từ năm 2013 và đến nay vẫn đang tiếp tục “đi chung đường” trong nhiều dự án - cho rằng, điều quan trọng là những vấn đề trao đổi phải thật sự rõ ràng, mọi người đều cần có ý thức thích ứng và cởi mở.
Và, dưới đây là những cách hiệu quả để loại bỏ các thách thức trong mối quan hệ với “cá lớn” của các “cá bé”, theo ông Gilbert.
Giao tiếp hiệu quả
Vì các tập đoàn và các dự án khởi nghiệp có thể khác nhau ở việc đặt mục tiêu hay các dự định về việc mở rộng kinh doanh, nên việc có một sự giao tiếp rõ ràng là điều thực sự cần thiết. Bà Guerpillon chia sẻ: “Chúng tôi rất thường xuyên nhận thấy các doanh nhân khởi nghiệp có thể không hiểu được các điều cần thiết trong việc mở rộng dự án để trở nên hữu dụng với Unilever.
Chúng tôi là nhà quảng cáo lớn thứ 2 trên toàn thế giới, có 2 tỷ khách hàng đang hằng ngày sử dụng các sản phẩm của chúng tôi, vậy nên khi chúng tôi nói tới sự mở rộng, đó thực sự có một quy mô rất lớn. Và, đôi khi, các doanh nhân gặp khó khăn trong việc hình dung ra quy mô đó”.
Ông Gilbert cũng cho rằng họ đã phải học cách khiến các KPI (Key Performance Index - Chỉ số đánh giá khả năng thực hiện công việc) của họ thay đổi theo hướng phù hợp nhất với KPI của Unilever và đã phải nhận ra cách để điều chỉnh các mục tiêu của họ. Ông chia sẻ rằng hai công ty đều có chung một tầm nhìn về việc “tạo ra các tác động tới xã hội mang tính thương mại bền vững ”, còn những khác biệt điển hình lại thường là ở những yếu tố mang tính chiến thuật kinh doanh, như các mốc thời gian hay các lĩnh vực mà mỗi bên quan tâm...
Định nghĩa rõ ràng các khả năng
Tính mới của một giải pháp cũng đồng nghĩa rằng sẽ không có một kết quả rõ ràng nào ở phía trước. Gilbert nói: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tạo dựng những thứ mới cùng các đối tác đều luôn có nghĩa là bạn không thể có được một lộ trình tiêu chuẩn, và điều này đặc biệt đúng đối với loại hình dịch vụ của chúng tôi, đó là việc sử dụng công nghệ và dữ liệu ở các thị trường nông thôn mới nổi”.
Như vậy, điều quan trọng là phải thiết lập được các định nghĩa rõ ràng về các khả năng có thể xảy ra, để công ty có thể thực hiện, phát triển, và tiến bộ. “Khi chúng tôi bắt đầu một dự án mới, việc định nghĩa một cách rõ ràng về ý nghĩa của sự phát triển, và thiếp lập một quy trình để đạt được điều đó đã luôn rất hữu ích để giúp chúng tôi có thể lên kết hoạch cho những chi tiết phức tạp”, Gilbert chia sẻ.
Có khả năng phản hồi, thích ứng, và cởi mở
Ông Gilbert cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng biết lắng nghe và giữ một tâm trí cởi mở khi làm việc với các thương hiệu khác nhau. Ông nói: “Không có bất kỳ hai thương hiệu hay hai công ty nào lại có cùng sở thích trong cùng một thị trường, đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là trở nên linh động, cởi mở, và có phản hồi”.
Bà Guerpillon cũng nhận xét: “Đúng vậy, sẽ có nguy cơ – khi làm việc với các dự án khởi nghiệp và các công nghệ mới – nhưng đó là nguy cơ có thể kiểm soát được.”