Điểm danh' các Bộ đi đầu trong đẩy mạnh cắt giảm kiểm tra chuyên ngành
Với Bộ KH&CN, thời gian qua, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan đã được cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa xuống 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa.
Mục tiêu của Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% và có thể tới trên 60% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành.
Để cải tiến toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Chính phủ, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN. Nhiều bộ, ngành đưa ra kế hoạch đẩy mạnh hoạt động này.
Với Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan đã được cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa xuống 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm (kiểm tra sau khi thông quan), đáp ứng vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19, vượt mục tiêu ASEAN + 4 và hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch Chính phủ giao 9 tháng.
Bộ NN&PTNT hiện có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải KTCN, bao gồm: Hàng hóa thuộc diện kiểm dịch 53 nhóm sản phẩm; Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng 104 nhóm sản phẩm; Hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm 94 nhóm sản phẩm.
Để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, Bộ NN&PTNT đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa KTCN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (chiếm 60,6% tổng số nhóm hàng phải KTCN hiện nay). Trong đó, nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng, lược bỏ (bỏ không kiểm tra hoặc gộp vào nhóm hàng khác) 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra an toàn thực phẩm, lược bỏ (chủ yếu là gộp vào nhóm mặt hàng khác hoặc trùng mặt hàng kiểm tra) 44/94 nhóm.
Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính KTCN, Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ hiện có 64 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới KTCN. Cụ thể, lĩnh vực kiểm dịch có 23 thủ tục; kiểm tra chất lượng hàng hóa có 30 thủ tục; kiểm tra an toàn thực phẩm có 11 thủ tục. Sau khi rà soát, Bộ này đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 35 TTHC (đạt 54,6%).
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xây dựng, ban hành 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến KTCN.
Xác định cải cách toàn diện công tác KTCN là nhiệm vụ trong tâm thời gian tới, Bộ Công Thương đặt mục tiêu bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục KTCN của Bộ. Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định danh mục mã HS hàng hóa phải KTCN và kế hoạch rà soát hàng năm phù hợp với danh mục mã HS hàng hóa XNK của Bộ Tài chính. Đồng thời, ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KTCN của Bộ trong giai đoạn đến năm 2020.
Bên cạnh đó là phê duyệt đề án rà soát, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Công Thương trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên đáp ứng tiến độ cải cách thủ tục KTCN trong giai đoạn đến năm 2020.
Mặt khác, Bộ Công Thương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét phương án, giải pháp xử lý đối với các nhóm hàng hóa có sự trùng lặp về thủ tục KTCN giữa quy định của Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý về kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 với quy định của Bộ NN&PTNT về kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kiểm tra các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn lao động.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư công bố mã HS cho các sản phẩm, hàng hóa có thủ tục KTCN về an toàn thực phẩm; nhóm sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy tissue phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật...