Xây dựng Luật Trồng trọt để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp
Ngày 23-8, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan hữu quan, tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Trồng trọt.
Hiện nay, trồng trọt là khâu rất quan trọng trong ngành nông nghiệp, đóng góp 71,5% GDP và 50% kim ngạch xuất khẩu; tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản để ngành phát triển.
Diện tích đất canh tác bình quân đầu người thấp, chưa có nhiều vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn; việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ… còn gặp nhiều khó khăn.
Việc phát triển trồng trọt chưa được thực hiện theo chuỗi giá trị từ khâu giống đến chế biến, thương mại sản phẩm nên giá trị trồng trọt chưa cao.
Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh tại Lâm Đồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chất lượng vật tư đầu tư nông nghiệp như giống, phân bón chưa được kiểm soát chặt chẽ, giá vật tư nông nghiệp còn cao, thu nhập của lao động nông nghiệp còn thấp so với nhiều ngành kinh tế khác. Ngoài ra, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Do vậy, cần có chính sách và giải pháp quản lý, tổ chức sản xuất trồng trọt thích hợp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, thông minh hơn để thích ứng và giảm thiểu những tác động bất lợi; cần đồng bộ hơn về hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo công tác quản lý, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại trong điều kiện tốt hơn.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp góp ý cần phải mở rộng thêm các định nghĩa, bỏ bớt những từ ngữ còn chung chung… Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần phải đặt ra yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành sản xuất; quy định pháp luật về phân bón, giống, sản xuất hữu cơ… cần phải rõ ràng, sát với thực tiễn hơn.