SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp Việt bị tập đoàn Anh Quốc kiện nên hòa hoãn hay “chiến đấu“?

[05/10/2011 14:58]

TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ kiện từ năm 2010 nhưng tới nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Doanh nghiệp Việt Nam chưa “tâm phục khẩu phục” vì cho rằng nhãn hiệu của Interbrand Group không phải nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.

Các chuyên gia pháp lý khuyến cáo: nên hòa hoãn để được giữ lại tên tiếng Việt thay vì bị “gắn đuôi” ăn cắp và “đo ván” ngay trên sân nhà bởi cái lý đang thuộc về Interbrand Group.

Doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu Interbrand từng bị từ chối

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi & giải quyết khiếu nại (Cục Sở hữu trí tuệ - SHTT) cho biết, năm 2006, Công ty cổ phần Thương hiệu Quốc tế (1 trong số bị đơn bị InterBrand kiện lần này) đã từng nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “Interbrand Corporation - Sánh bước thành công”. Cục SHTT đã có quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nói trên cho công ty này do xác định công ty này sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng Interbrand Group.

Trong khi đó, mãi tới ngày 6/5/2010 Interbrand Group mới được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu số 146017. Thực tế, Interbrand Group nộp đơn sau Công ty cổ phần Thương hiệu Quốc tế nhưng vẫn được cấp, còn công ty nộp trước lại bị từ chối. Sở dĩ như vậy là bởi nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ rộng hơn nhãn hiệu thông thường. Nếu như nhãn hiệu thông thường chỉ được bảo hộ khi nhãn hiệu khác có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn thì nhãn hiệu nổi tiếng còn được bảo hộ khi nhãn hiệu khác có dấu hiệu làm tổn hại hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng.

Vụ kiện của Interbrand Group dựa trên cơ sở nhãn hiệu của mình là nổi tiếng. Theo quy định tại Công ước Paris thì nhãn hiệu nổi tiếng không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. “Việc đăng ký không tạo ra nhãn hiệu nổi tiếng. Những nhãn hiệu đã đăng ký rồi có thể bị hủy vì những nhãn hiệu nổi tiếng. Do vậy việc đăng ký hay chưa không phải quan trọng”, ông Hồng phân tích.

Theo quy định của Luật SHTT, tất cả các nhãn hiệu đăng ký phải sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày đăng ký. Interbrand Group đã nổi tiếng trên thế giới và sử dụng nhãn hiệu này ở Việt Nam từ năm 2001 tới nay. Họ đã có rất nhiều hoạt động tại Việt Nam cho đến thời điểm này.

Như vậy cả về “lý” và “tình” thực tế đều đang “nghiêng” về phía Interbrand Group.

Chủ hòa hay chủ chiến?

Cần nói thêm rằng năm 2001 Interbrand Group mới vào Việt Nam - thời điểm đó Việt Nam chưa phát triển lĩnh vực xây dựng, định giá thương hiệu. Do vậy, khi so sánh nhãn hiệu của các công ty Việt Nam sử dụng từ Interbrand trong tên thương mại của công ty mình, khó có cơ sở để phủ nhận các doanh nghiệp Việt Nam không sao chép thương hiệu của Interbrand Group. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng thì kể cả trong trường hợp các doanh nghiệp vô tình sao chép thì vẫn là hành vi xâm phạm.

Các chuyên gia luật SHTT đều cho rằng vụ doanh nghiệp Việt xâm phạm nhãn hiệu của Interbrand Group là rất rõ ràng. Nếu như ở nước ngoài thì không cần tranh cãi  hay phải đáo tụng đình. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lại không dễ giải quyết vụ việc này. Ngay như thẩm phán Đỗ Đức Vân Hồng- được xem là thẩm phán có nhiều kinh nghiệm về SHTT-  nhưng thụ lý từ năm 2010 tới nay vụ việc vẫn chưa đưa ra xét xử.

“Từ xưa tới nay tòa thường tuyên các vụ đã rõ ràng, tuyên vụ  này vừa dính đến xác lập quyền và lại là nhãn hiệu nổi tiếng. Thẩm phán Việt Nam xử vụ này hơi bị khó, ông Hồng có thể xử được nhưng cấp phúc thẩm có thể không hiểu. Vấn đề không phải là một cá nhân mà là một hệ thống. Tôi có làm thẩm phán chưa chắc tôi đã dám xử vì sợ phúc thẩm không hiểu lại bác bản ản mà một lần bị bác bản ản là một điểm trừ khi tái bổ nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Hồng bình luận.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Hồng cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên “tự xử” bằng cách không sử dụng phần tên tiếng Anh viết tắt cũng như những chỉ dẫn tới dịch vụ của mình bằng tiếng Anh có “xài” từ Interbrand. Nếu hòa hoãn như vậy thì có thể Interbrand Group sẽ đồng ý để cho các doanh nghiệp này giữ lại phần tên tiếng Việt chứ không yêu cầu phải đổi tên doanh nghiệp.

Thông tin riêng của phóng viên PLVN cho thấy, 1 trong số 3 công ty đã chấp nhận phương án này và đang tự khắc phục sai phạm để tránh phải ‘đáo tụng đình” với Interbrand Group.

Tin liên quan

“Ăn theo” thương hiệu nổi tiếng: 3 doanh nghiệp Việt bị kiện

http://phapluatvn.vn (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ