Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm chủ lực
Bộ tiêu chuẩn chung đối với trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất đã được ban hành, bước tiếp theo sẽ xây dựng cho từng sản phẩm cụ thể.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL. Ảnh: N. Hiển.
Ngày 20/9, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" với mong muốn đưa bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ đến gần hơn với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ tiêu chuẩn được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành và có hiệu lực từ 29/12/2017. Đây là các tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt; chăn nuôi và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục TCĐLCL, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn là bước tiến trong tạo dựng nền tảng kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ của CODEX, IFOAM, khu vực EU, ASEAN, tiêu chuẩn của các nước Mỹ, Nhật Bản hay trong khu vực như Thái Lan, Philippines... Doanh nghiệp áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn này sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài.
Hiện bộ tiêu chuẩn được doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ đón nhận, tuy nhiên ông Hải cho biết bước tiếp theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ cùng các bên liên quan quan sẽ phải trao đổi với các tổ chức quốc tế công nhận tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp Việt mới có giá trị đối với thị trường nước ngoài.
"Tới đây Tổng cục TCĐLCL sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định một số sản phẩm chủ lực có tiềm năng phát triển để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho từng sản phẩm. Như với giống gạo đặc sản vùng miền, nếu thấy tiềm năng sẽ xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ riêng cho gạo", ông Hải nói và cho biết kinh nghiệm của Thái Lan đã xây dựng tiêu chuẩn riêng cho các sản phẩm lợi thế của họ để xuất khẩu.
Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp sản phẩm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: V.Bình.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện được cho là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Khi có tiêu chuẩn riêng và sản phẩm được dán nhãn sẽ là cơ sở để người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Tuy nhiên giữa việc công bố chất lượng và giám sát thực hiện đang là băn khoăn của người tiêu dùng.
Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, tránh gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng. Các nhà phân phối sản phẩm cần tìm hiểu rõ sản phẩm đang phân phối.
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chứng nhận... để thúc đẩy hoạt động chứng nhận các tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Hiện Việt Nam có 30/63 tỉnh, thành đã triển khai sản xuất trồng trọt nông nghiệp hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất nước (3.053,04ha), chủ yếu là dừa. Ninh Thuận có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn nhất với 448,26ha nho, táo, rau; riêng nho là 284,66ha.
|