'Vietnam Blockchain Country' - định vị Việt Nam trên bản đồ Blockchain thế giới
Với dự án "Fruitchain" và "Câu lạc bộ Blockchain Việt Nam" (Vietnam Blockchain Club), IBL muốn xác lập vị thế Việt Nam trong cuộc chơi Blockchain toàn cầu.
Dự án Fruitchain đang được thử nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam, hướng đến minh bạch hóa thông tin trong chuỗi giá trị sản phẩm. Ảnh: IBL
Tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain trong nước - Infinity Blockchain Labs (IBL) hiện triển khai một chiến dịch mang tầm quốc gia với tên gọi "Vietnam Blockchain Country".
Chiến dịch nhằm kết nối các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách, những doanh nghiệp, tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận trong hệ sinh thái Blockchain tại Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để thiết lập một chiến lược tổng thể đưa công nghệ Blockchain tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
IBL nhận định nếu chiến dịch thành công, hình ảnh Việt Nam sẽ được tái định hình trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, như là quốc gia tiên phong đón nhận xu thế tất yếu mới. Dự án được kỳ vọng góp phần tạo tiền đề cho nguồn tài chính dồi dào đổ về các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước.
Một trong những dự án thí điểm thuộc kế hoạch này là "Fruitchain", giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng công nghệ Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Được nghiên cứu phát triển bởi đội ngũ kỹ thuật tại IBL, Fruitchain hướng đến mục tiêu minh bạch hóa thông tin trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Dự án đã được thử nghiệm thực tế trên những quả xoài Cát Chu thuộc Hợp tác xã Mỹ Xương, tỉnh Đồng Tháp. Đây là bước đi đầu tiên trước khi những ứng dụng của công nghệ Blockchain được áp dụng trên quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Với sự nỗ lực của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia, chúng tôi hy vọng đến năm 2020, song song với việc thế giới sẽ có chính thức các dự án Blockchain hoàn thiện, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi đột phá về công nghệ này, giống như sự ra đời của Internet trước đây", ông Đỗ Văn Long – Giám đốc Chiến lược IBL cho biết.
Bên cạnh Fruitchain, một hoạt động khác cũng là một phần không thể tách rời của chiến dịch là "Vietnam Blockchain Club" - Câu lạc bộ Blockchain Việt Nam. Đây là tổ chức cộng đồng trực thuộc IBL dành cho những tổ chức, cá nhân đam mê, hứng thú với công nghệ Blockchain. Câu lạc bộ hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhằm kết nối cộng đồng, chia sẻ kiến thức, thử nghiệm các ý tưởng mới và phát triển những ứng dụng về Blockchain.
Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng của IBL phát biểu trong Diễn đàn Blockchain Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng báo điện tử VnExpress tổ chức. Ảnh: VnExpress
Câu lạc bộ sẽ triển khai những hoạt động kết nối các nhà làm luật, hoạch định chính sách với những công ty chủ chốt trong ngành của Việt Nam và quốc tế, nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh cũng như khung pháp luật tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị còn mong muốn làm cầu nối cho các tổ chức Blockchain trên thế giới đến với Việt Nam, giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Vietnam Blockchain Club nói riêng và IBL nói chung là thành viên chính thức của Chi hội Blockchain Việt Nam, được thành lập bởi Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM). Đây là nơi quy tụ các hội viên của VECOM cũng như những tổ chức, cá nhân quan tâm tới Blockchain. Chi hội tập trung vào các hoạt động phổ biến kiến thức hoặc đào tạo kỹ năng về Blockchain cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước những cơ hội mà Blockchain mang lại cho nền kinh tế số toàn cầu, VECOM khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain. Cụ thể hóa khuyến nghị trên, ngày 23/4/2018, VECOM ra quyết định thành lập Chi hội Blockchain Việt Nam. Chi hội chính thức ra mắt ngày 8/6/2018 tại Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit (VBS) với chủ đề "Từ Công nghệ tới Chính sách".
Ông Đỗ Văn Long (thứ hai từ phải sang) - đại diện của IBL trong sự kiện Vietnam Blockchain Summit 2018. Ảnh: IBL
Bên cạnh đó, Chi hội cũng sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý và xây dựng chính sách để hoàn thiện khung pháp lý cũng như các hướng dẫn, quy phạm pháp luật, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho quá trình ứng dụng blockchain tại Việt Nam. Mặt khác, Chi hội còn tổ chức nhiều chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của các tài năng trẻ.
IBL xác định sứ mệnh thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thông qua việc khai thác tiềm năng và sức mạnh của Blockchain để tạo ra những giải pháp đột phá. Tầm nhìn của IBL là trở thành trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain, mang đến những ứng dụng thực tiễn phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, IBL hướng đến mục tiêu xa hơn là góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam như một cường quốc về Blockchain, đưa Việt Nam trở thành bệ phóng cho các dự án tầm cỡ quy mô quốc tế.