Nâng cao năng suất, chất lượng cho chuỗi liên kết nông sản
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”.
Phó thủ tưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay. Năm 2018 chúng ta cũng chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa của ngành nông nghiệp, đó là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gạo thế giới, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.
Năm nay, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La... Riêng vụ vải thiều của Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.700 tỷ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác.
Hiện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang làm thủ tục công nhận thủ tục về cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Phía họ đã kểm tra thực địa và đánh giá chúng ta sản xuất cá tra rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành thủ tục về cá tra. Vừa rồi, thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải. Đó là những thông tin rất tích cực.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường. Theo quy luật của thị trường, cung nhiều hơn sẽ làm giá không tốt được, nhưng nếu làm tốt khâu tiêu thụ thì sẽ vẫn bán được với giá tốt. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của ngành nông nghiệp.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc TH true Milk cho rằng, phải xác định lại mục tiêu cho chuỗi giá trị đó là làm thế nào nâng cao giá trị nông sản.
Nâng cao năng suất, chất lượng cho chuỗi liên kết nông sản, xây dựng được thương hiệu và niềm tin khách hàng. Nếu như chất lượng và năng suất tạo giá trị của thương hiệu thì thương hiệu làm “thăng hoa” giá trị nông sản. Hai yếu tố này có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Không có được chất lượng và thương hiệu thì giá trị nông sản không cao được.
“Người nông dân phải tự khẳng định mình trong chuỗi liên kết. Doanh nghiệp hỗ trợ con giống, vật tư, quy trình kỹ thuật… tuy nhiên không phải doanh nghiệp cho người nông dân mà doanh nghiệp cần người dân đưa lại sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn. Mỗi người nông dân là một lực đẩy trong chuỗi liên kết, doanh nghiệp đứng vai trò tiên phong” - ông Hải chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc chung của nhiều nông dân về việc làm sao để có thể xây dựng được một thương hiệu tốt, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU, Trung Đông… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định: Vấn đề thương hiệu là hết sức quan trọng. Bởi, hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được.
Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt.