Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ ở ĐBSCL
Đề tài do các tác giả Trần Văn Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương), Mai Văn Nam, Khưu Thị Phương Đông (Trường ĐH Cần Thơ) thực hiện nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp gỗ ở vùng ĐBSCL nhằm tìm hiểu và phân tích thực trạng sản xuất và chế biến gỗ của các doanh nghiệp gỗ ĐBSCL.
Theo
đó, các doanh nghiệp gỗ và chế biến gỗ của khu vực ĐBSCL về quy mô chủ yếu là
các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, phân bố phân tán, chưa hình thành các khu,
cụm sản xuất kinh doanh hàng hóa đồ gỗ, cơ cấu chi phí nguyên vật liệu gỗ và
nhân công chiếm tỷ trọng lớn, công nghệ sản xuất và chế biến còn lạc hậu, đa
phần là sản xuất thủ công kết hợp với cơ khí nhỏ. Do vậy, chưa có khả năng thực
hiện được các đơn hàng và hợp đồng lớn từ các nhà nhập khẩu của các nước như
Mỹ, EU, Nhật Bản…
Các
sản phẩm từ gỗ của các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL mới chỉ nhằm phục vụ các
nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa quan tâm đến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở
rộng thị trường xuất khẩu. Trong thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất và nâng
cao hiệu quả đầu tư trong sản xuất hàng hóa đồ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp gỗ
của ĐBSCL cần ưu tiên hàng đầu việc nâng cấp sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh
tranh, phát triển những mặt hàng có giá trị cao, đổi mới công nghệ hiện đại, mở
rộng quy mô sản xuất, chú trọng đầu tư cho xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị
trường xuất khẩu và mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài, các nhà
đầu tư, các tập đoàn sản xuất chế biến gỗ lớn của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có
kinh nghiệm ở trong nước, đầu tư một số nhà máy sản xuất gỗ nguyên liệu như ván
ép, gỗ MDF trong vùng để các doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu từ đó
giảm chi phí trong khâu vận chuyển mua nguyên liệu gỗ từ Bình Dương, Đồng Nai
về ĐBSCL. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến công tác trồng rừng nhằm tiến
tới chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu lâu dài.