SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu tôm suy giảm

[29/10/2018 17:11]

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý II/2018, xuất khẩu tôm Việt Nam liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, tháng 9/2018, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 332 triệu USD. Do sụt giảm trong quý II và quý III năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch XK tôm chân trắng tăng 1% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của VASEP, nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu. Do đó, tôm Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tại các thị trường có sức tiêu thụ chi phối lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong khi, các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ thị trường trong nước từ các thị trường nhập khẩu chính ngày càng tăng cũng tác động đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh so với một số đồng tiền khác khiến các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá mua tôm. Giá tôm gần đây đã có xu hướng nhích lên nhưng cũng không đủ bù đắp so với tác động của đồng USD tăng.

Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68,4%, tôm sú chiếm 23,1% và tôm biển 8,5%. So với 9 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 1%, trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 7% và tôm biển giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với tôm chân trắng, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng 10% trong khi tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 5%. Đối với tôm sú, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến (HS 16) giảm 19% và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 6%.

EU là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hai quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm. Tuy nhiên, bước sang quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Nhưng nhờ tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tính tới tháng 9 năm nay đạt 648,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đang đẩy mạnh đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đầu tư thiết bị tự động hóa và robot hóa vào tất cả các khâu chế biến của nhà máy. Việc ứng dụng các công nghệ này có thể giảm được trên 50% lao động và sản lượng chế biến đã tăng trên 20% so với năm trước đó.

Ở khâu nuôi trồng, nhiều doanh nghiệp, trại nuôi cũng đã ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới để quản lý ao nuôi. Điển hình là phần mềm ứng dụng nền tảng điện toán đám mây, thông qua các thiết bị di động, bộ cảm biến và thiết bị cho ăn tự động để ghi lại dữ liệu về kích cỡ con tôm, chất lượng nước, hình thái cho ăn, các điều kiện về sức khỏe và thời tiết vào quản lý các ao nuôi. Từ đó, người nuôi cắt giảm chi phí nhân công, dễ dàng quản lý dịch bệnh trên tôm, giảm lượng thuốc kháng sinh và hóa chất sử dụng.

Theo các chuyên gia, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có giải pháp hỗ trợ ngành trong khâu quy hoạch vùng nuôi, đầu tư hạ tầng, có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia, kiểm soát chặt việc buôn bán hóa chất, kháng sinh trên thị trường... để ngành tôm phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ