Doanh nghiệp cần tỉnh táo để tận dụng tốt nhất các cơ hội
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp (DN) nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung; những ngành nào sẽ được hưởng lợi; Việt Nam sẽ làm gì để giảm thiểu mức độ thiệt hại từ cuộc chiến?
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, để mang đến bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về những vấn đề nêu trên.
Ông Phạm Bình An
- PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng từ cuộc chiến đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, các DN nói riêng?
>> Ông PHẠM BÌNH AN: Cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc chính thức nổ ra hồi đầu tháng 7-2018, khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đến tháng 8 là thêm 16 tỷ USD chịu thuế suất 25% và tháng 9 là thêm 200 tỷ USD chịu thuế suất 10%. Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Mỹ. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần ở việc trừng phạt thuế hàng hóa nhập khẩu giữa 2 quốc gia mà còn phải hiểu ở nhiều góc độ khác nhau.
Tôi cho rằng cuộc chiến có thể tác động tới 4 khía cạnh. Thứ nhất, ở góc độ xuất nhập khẩu, khi hàng của Trung Quốc không vào được Mỹ, nó sẽ tạo khoảng trống về hàng nhập khẩu vào Mỹ và một số nước lân cận. Ngược lại, Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ thì nước này lại tìm cách xuất khẩu ngược sang các nước khác. Đây là điều mà chúng ta thường nghĩ theo cách cơ học. Thực tế không đơn giản như vậy, bởi lẽ hàng hóa của Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ nó khác hẳn hàng hóa xuất sang Việt Nam hay các nước khác. Do vậy, sẽ không có chuyện hàng xuất khẩu của Trung Quốc không vào được Mỹ thì sẽ tràn sang các nước khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở mức đánh thuế đối với 50% lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ, phần còn lại nếu đánh thuế toàn bộ (tức 100%) thì nhiều khả năng sẽ có lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì hàng Việt cũng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhất là khi các DN FDI đã tham gia sâu vào các chuỗi giá trị để nhắm tới việc xuất khẩu vào Mỹ.
Thứ hai, đó là việc chuyển hướng xuất khẩu hàng của Trung Quốc vào Việt Nam để tránh thuế. Đây là nguy cơ rất rõ vì Việt Nam có nhiều cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, trong khi việc quản lý kinh tế mậu biên còn lỏng lẻo, bất cập. Nếu các DN bắt tay để tiến hành xuất khẩu hàng Trung Quốc thông qua nhãn mác của DN Việt, thì nhiều khả năng sẽ bị Mỹ điều tra và tiến hành trừng phạt, gây ảnh hưởng dây chuyền đến các DN sản xuất của Việt Nam.
Thứ ba, tăng chi phí của các DN sản xuất. Vì hiện nay, các DN như dệt may đã nằm trong chuỗi sản xuất để xuất khẩu, hiện nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, khi nước này bị đánh thuế sẽ làm đội đơn giá nhập khẩu lên.
Cuối cùng là thay đổi tỷ giá ngoại tệ. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền cũng sẽ làm đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá. Về mặt điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa tiền đồng với USD. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT. Sức ép lên tỷ giá giữa VND và USD là từ đó.
Đối với đồng USD, tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại đều đã nhích lên trong thời gian qua. Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do cũng xuất hiện. Điều này diễn ra trong bối cảnh các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong nước của Việt Nam, cũng như thông tin về thị trường tiền tệ vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực, khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cao ở mức 16%, thặng dư trên cán cân vãng lai lên tới 8,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6,7 tỷ USD, vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào là 1,1 tỷ USD, tiền kiều hối gửi về là 4,8 tỷ USD. Có thể thấy, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng là từ những diễn biến trên thế giới và trong khu vực, cụ thể là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự xuống giá của NDT.
Sản xuất đồ gỗ là ngành hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ảnh: THÀNH TRÍ
- Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài cuộc chiến sẽ làm dịch chuyển về đầu tư, thương mại, theo ông những lĩnh vực nào sẽ có mức độ dịch chuyển nhiều nhất? Việt Nam sẽ làm gì để đón nhận sự dịch chuyển?
Theo tôi, chưa thể trả lời ngay là lĩnh vực nào sẽ có mức độ chuyển dịch nhiều nhất vì diễn tiến của cuộc chiến là rất phức tạp. Chúng ta cũng không thể thay mặt cho các nhà đầu tư để trả lời về vấn đề này, bởi lẽ khi cần thay đổi môi trường sản xuất, họ phải cân nhắc rất nhiều vấn đề, chẳng hạn để ở lại Trung Quốc, giữ lại thị trường, họ có thể chấp nhận giảm chi phí, giảm lãi. Ở một khía cạnh khác, thuế của Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc là không lớn, trong khi tiêu dùng nội địa của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, riêng tầng lớp tiêu dùng trung lưu lên tới 300 triệu người, tương đương châu Âu. Do vậy, khi bị đánh thuế, phía Trung Quốc sẽ cơ cấu lại thị trường, chuỗi giá trị, để tránh mức độ ảnh hưởng nhiều nhất.
Trở lại với việc chuyển dịch đầu tư, các DN cũng có thể chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta có sẵn sàng để đón nhận hay không? Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã bị tụt 3 bậc so với năm 2017, xếp thứ 77/140 quốc gia. Đáng lưu ý, trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột “sức khỏe”, với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột “năng lực sáng tạo”, Việt Nam chỉ đạt 33 điểm. Để thu hút đầu tư, điều cốt yếu là chúng ta phải tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thuế, chất lượng nguồn nhân lực, để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.
- Đi vào cụ thể, ông có thể phân tích lĩnh vực nào, ngành nào của Việt Nam sẽ chịu tác động cũng như hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến?
Diễn biến của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thay đổi rất nhanh nên rất khó phân tích, đánh giá chính xác những ngành nào của Việt Nam sẽ bị tác động. Tuy nhiên, dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các DN Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể. Hơn nữa, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhưng khi chiến tranh thương mại leo thang, tình hình có khác. So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Mỹ có giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali - túi xách 8,8% và nông thủy sản 22,1%, điện và điện tử 13,5%, sản phẩm kim loại 4,2%, nhựa - cao su 5,3%... Điều này cũng đồng nghĩa, các DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ sẽ hưởng lợi; trong khi các DN sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.
- Các DN cần làm gì để tận dụng tốt nhất các cơ hội nhưng lại không bị vạ lây từ việc điều tra trong gian lận thương mại?
Theo quan sát của tôi, khi cuộc chiến mới nổ ra đã tác động không tốt tới đại bộ phận DN. Do vậy để tận dụng tốt nhất các cơ hội, các DN cần bình tĩnh, tỉnh táo, đặc biệt với các DN có uy tín, đã và đang xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là có chế biến giả tạo thông qua DN nội địa hay FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt Việt Nam, ngược lại Trung Quốc cũng sẽ áp thuế nếu DN Việt Nam thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng của Mỹ sang nước này, nếu bị phát hiện. Tôi nói DN cần phải bình tĩnh và tỉnh táo trong hợp tác làm ăn với các DN của cả Mỹ và Trung Quốc là vậy. Điều quan trọng là DN cần nhìn nhận và đặt để cơ hội của nền kinh tế quốc gia trên toàn cục, hơn là chạy theo lợi nhuận trước mắt.
- Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần ứng xử ra sao, thưa ông?
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (32 tỷ USD theo tính toán của hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Mỹ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Mỹ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép để đàm phán thương mại với Mỹ, nếu không sẽ bị Mỹ áp thuế đối với mặt hàng ô tô.
Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Mỹ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Mỹ.
- Xin cảm ơn ông!