Hội nghị phổ biến Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định
Sáng ngày 01 tháng 11 năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107) và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan tham gia điều hành xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hơn 100 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cùng các chuyên gia và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định trong những năm qua, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP đã phát huy tác dụng điều chỉnh tích cực, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực , thực tế quá trình thực thi Nghị định cho thấy một số vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh, giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các rào cản cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, góp phần phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Để triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khắc phục những vướng mắc, bất cập, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP Ngày 15 tháng 8 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2018. Các đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất đánh giá cao những điểm mới của Nghị định 107, đánh giá đây là bước tiến mới về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã trình bày về các điểm mới quy định Nghị định số 107, của Thông tư số 30/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn Nghị định, cũng như trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế trong triển khai Nghị định. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã trình bày về kế hoạch, nhiệm vụ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc hỗ trợ thương nhân thực hiện các quy định tại Nghị định số 107.
10 điểm mới của Nghị định 107 của Chính phủ được Bộ Công Thương hướng dẫn tại Hội nghị bao gồm:
(i) Không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh;
(ii) Không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay, xát, chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc; không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
(iii) Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao. Quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận;
(iv) Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh, thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm;
(v) Quán triệt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo;
(vi) Bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký;
(vii) Bãi bỏ quy định giá sàn gạo xuất khẩu và các quy định yêu cầu tuân thủ giá sàn xuất khẩu trong giao dịch, ký kết hợp đồng;
(viii) Điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó;
(ix) Bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, công tác phát triển thị trường, ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước, giao dịch, ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung.
(x) Bổ sung một số quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo; điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể chế độ báo cáo của thương nhân, các Bộ, ngành và cơ quan Hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành xuất khẩu chung.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá Nghị định số 107 có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Bộ Công Thương, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. Nghị định mới cũng tạo thuận lợi và khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo; xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Sau chuỗi sự kiện tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam và Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10, việc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai Nghị định số 107/2018/NĐ-CP tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành với sự phát triển của sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam. Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời, có hiệu quả để duy trì và phát triển bền vững xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Chi tiết Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 30/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.