Xuất khẩu cà phê sang Tây Ban Nha nhiều triển vọng
Cà phê của Việt Nam đang ngày càng chiếm lợi thế hơn tại thị trường Tây Ban Nha.
Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cho biết, tháng 10/2018, giá cà phê Robusta trong nước tăng theo giá cà phê toàn cầu. Ngày 30/10/2018, giá cà phê Robusta tăng từ 7,1 – 8,8% so với cuối tháng 9/2018. Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước có mức thấp nhất là 35.700 đồng/kg tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), mức cao nhất là 36.300 đồng/kg tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 38.400 đồng/kg, tăng 10,3% so với cuối tháng 9/2018.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của tháng 10/2018 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 230 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 9/2018, tăng 64% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 10 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,577 triệu tấn, trị giá 2,98 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với 10 tháng năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng 10/2018 đạt 1.769 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 9/2018, nhưng vẫn giảm 24,2% so với tháng 10/2017. Lũy kế 10 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.890 USD/tấn, giảm 16,8% so với 10 tháng năm 2017.
Về chủng loại xuất khẩu, tháng 9/2018, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 56,3% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 105.685 tấn, trị giá 165,39 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 2,142 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta 9 tháng năm 2018 đạt 1.741 USD/tấn, giảm 17,8% so với 9 tháng năm 2017. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê chế biến tăng 9,7%, đạt 5.300 USD/tấn.
Bộ Công Thương cho biết, nhập khẩu cà phê của Tây Ban Nha từ Việt Nam tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ các thị trường lớn khác giảm, khiến thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha tăng từ 36,7% trong 7 tháng năm 2017, lên 45,6% trong 7 tháng năm 2018. Trong khi đó, thị phần cà phê của Braxin tại Tây Ban Nha giảm từ 14,5% xuống còn 12,8% trong 7 tháng năm 2018.
Như vậy, so với các đối thủ cạnh tranh khác, cà phê của Việt Nam đang chiếm lợi thế hơn tại thị trường Tây Ban Nha. Triển vọng của ngành cà phê Việt Nam tại Tây Ban Nha thời gian tới tương đối khả quan do nguồn cung trong nước dồi dào, Việt Nam bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2018/19. Bên cạnh đó, nhập khẩu cà phê của Tây Ban Nha ở mức cao.