Xuất khẩu gạo: Gạo thơm chiếm “ngôi đầu”
Trong cơ cấu xuất khẩu gạo những tháng vừa qua, gạo thơm hiện là mặt hàng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 9/2018 đạt 400.440 tấn, 99,631 triệu USD. Giá bình quân đạt 498 USD/tấn (FOB), so với cùng kỳ năm 2017 giảm 22,32% về khối lượng và giảm 11,14% về giá trị.
Gạo thơm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu gạo xuất khẩu.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,686 tấn, trị giá 2,483 tỷ USD. Trong đó, hợp đồng tận trung đạt 492 ngàn tấn, chiếm 10,50%, hợp đồng thương mại chiếm 89,50%. Giá xuất khẩu bình quân tăng 46,92 USD/tấn.
Tính đến hết tháng 9/2018, lượng hợp đồng đăng ký đạt 5,705 triệu tấn gạo, trong đó, hợp đồng tập trung là 691 triệu tấn, chiếm 11,46%; hợp đồng thương mại là 5,014 triệu tấn, chiếm 88,54%. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 2,94%.
Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, chủng loại gạo xuất khẩu thay đổi rất rõ, theo đó, gạo cao cấp 1,050 triệu tấn, gạo trung bình là 870,56 triệu tấn gạo; gạo cấp thấp 91,52 ngàn tấn; gạo nếp đạt 637,484 ngàn tấn; gạo Japonica 86,86 ngàn tấn… Đặc biệt, các sản phẩm gạo thơm các loại chiếm số lượng cao nhất với 1,437 triệu tấn. Kết quả này cho thấy ngành gạo đang đi đúng theo chiến lược phát triển thị trường của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, với mục tiêu là giảm dần về số lượng nhưng vẫn giữ ổn định và tăng về giá trị.
Kết quả này cũng cho thấy ta đã và đang làm rất tốt công tác mở rộng thị trường, đa dạng hóa, không phụ thuộc vào 1 thị trường, đã tạo ra cú hích với những thị trường mới, một số nước như Indonesia, Trung Đông và Châu Phi có thể là điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều loại gạo thơm của nước ta đã xuất khẩu được đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore…
Việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm còn giúp giá gạo nước ta tăng cao. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện giá gạo xuất khẩu của ta đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 – 100 USD/tấn. Đây chính là lý do khiến ngành lúa gạo có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, theo VFA, cái khó hiện nay là do bà con trồng nhiều giống lúa thơm khác nhau nên khi thu hoạch không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn. Để có khối lượng lớn, các doanh nghiệp phải đi mua gom các giống lúa thơm khác nhau trộn lại, dẫn đến chất lượng không đồng nhất, làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo thơm xuất khẩu và ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Điều này cũng khiến việc xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế tình trạng này, trong 5 năm qua, giữa nhà khoa học, nhà xuất khẩu và nhà nông đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường mà các doanh nghiệp cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với bao tiêu cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng này hiện nay chưa nhiều.
Thách thức còn đến với hoạt động xuất khẩu gạo khi hiện nay khi diện tích trồng lúa có thể giảm mạnh và chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa thu đông vừa do lũ lớn chỉ sản xuất 534.000 ha, giảm hơn 200.000ha so với kế hoạch. Điều này càng đặt ra thách thức phải nâng cao giá trị hạt gạo nhằm bù đắp lượng sản xuất thiếu hụt.