Hóa giải thách thức trong xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc
Dù xuất khẩu chưa chính thức nhưng giá trị hàng năm mà thịt heo Việt Nam qua Trung Quốc đã vượt quá 1 tỉ USD và hứa hẹn còn tăng trong thời gian tới.
Thịt lợn Việt Nam được ưa chuộng
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán tương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, người dân Trung Quốc đã bắt đầu quen với việc tiêu thụ thịt heo từ Việt Nam và cho biết thịt heo Việt Nam thơm ngon hơn với thịt heo nuôi tại Trung Quốc. Đó là một cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi và xuất khẩu thịt của Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Dù mới xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng theo số liệu từ cơ quan chức năng Trung Quốc thì chỉ trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 5 triệu con heo, tương đương 600.000 tấn, với giá trị trên 1 tỉ USD.
Cũng theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch heo và thịt heo sang Trung Quốc là do dịch bệnh lở mồm long móng. "Tuy nhiên tôi được biết thì dịch bệnh này ở VN cơ bản đã được kiểm soát. Thời gian đầu hai nước có thể thành lập một vùng kiểm soát dịch bệnh ở biên giới để tập trung heo.
Trong thời gian cách ly cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ kiểm soát và đánh giá, nếu không có nguy cơ lây bệnh thì sẽ cho phép nhập khầu vào nội địa. Về lâu dài, việc xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và các nhà máy chế biến công nghệ cao như Biển Đông sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo tươi và thịt heo chế biến vào Trung Quốc", ông Cẩm cho biết.
Hóa giải thách thức
Để thâm nhập và giữ vững thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải tổ chức sản xuất lại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống heo chất lượng năng suất, sức sinh sản cao để hạ giá thành thấp nhất có thể, phải bán đấu giá trong tương lai giá heo Việt Nam sẽ thấp nhất trong khu vực ASEAN. Bên cạnh tạo ra các giống heo chất lượng, cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm có nhiều sản phẩm từ thịt heo, phải đa dạng sản phẩm thì mới thúc đẩy tiêu thụ cả trong và ngoài nước được.
Một vấn đề nữa cần chú trọng đó là các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhiều nước nhằm nắm bắt được phong tục tập quán, thói quen ăn uống, hàng rào kỹ thuật, từ đó nghiên cứu tổ chức sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu...
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc đã ghi nhận đưa vào chương trình đàm phán và hoàn thiện phương thức quản lý giám sát để các sản phẩm chăn nuôi tươi sống của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này bằng con đường chính ngạch, trước mắt là qua tỉnh Quảng Tây.
Hiện Việt Nam đã xây dựng được 155 vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ cung cấp các sản phẩm chăn nuôi an toàn và chất lượng cao. Đây cũng là những vùng chăn nuôi cơ sở cho các chuỗi liên kết từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quản lý chuồng trại, giết mổ, chế biến ra các sản phẩm thịt chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.