Cảnh báo bản quyền phần mềm với doanh nghiệp xuất khẩu
Tại hội thảo về “Quản trị tài sản phầm mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh” sáng nay 12.10 tại TPHCM, ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng đạo luật mới về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của bang Washington và Louisiana là một công cụ bảo hộ khá hữu hiệu ở các nước phát triển…
…Và có thể luật này không chỉ áp dụng trong hai bang của Mỹ mà có thể mở rộng trên toàn nước Mỹ hoặc ở các nước phát triển khác.
Theo đó các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm sang Hoa Kỳ sẽ phải xuất trình các giấy chứng nhận để chứng minh việc họ sử dụng các sản phẩm phần mềm có bản quyền cho toàn bộ quy trình sản xuất, xuất khẩu và phân phối sản phẩm đó. Các doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ không thể xuất được hàng vào Mỹ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và dụng cụ thể thao.
Từ việc áp dụng bản quyền phần mềm cũng làm tăng nguy cơ bị áp biên độ phá giá cao hơn trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp cơ quan điều tra Hoa Kỳ áp dụng đạo luật này trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, họ có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế từ việc sử dụng phần mềm trong doanh nghiệp (chi phí thiết kế, quản lý, tiếp thị, phân phối…).
Ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết năm 2010 lực lượng thanh tra liên ngành đã thanh tra tại 60 doanh nghiệp và kiểm tra 2.361 máy tính, hầu hết doanh nghiệp sử dụng phần mềm không hợp pháp với trị giá gần 1,34 triệu đô-la Mỹ. Từ đầu năm đến nay thanh tra 50 doanh nghiệp và kiểm tra gần 2000 máy tính, ước tính giá trị phần mềm gần nửa triệu đô-la Mỹ.