SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

TECHFEST 2018: Làm thế nào để startup Việt ra toàn cầu?

[07/12/2018 08:18]

TECHFEST năm nay đã thu hút được sự đồng hành “tích cực”, “thực chất hơn” của các Bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018. Ảnh: TTTT.

Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2018 vừa khai mạc vào tối ngày 29/11 tại TP Đà Nẵng. Mặc dù đây là năm thứ tư sự kiện này được tổ chức nhưng là lần đầu tiên có sự góp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại diện Chính phủ như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long... Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận định trong lễ khai mạc, TECHFEST năm nay đã thu hút được sự đồng hành “tích cực”, “thực chất hơn” của các Bộ, ngành.

Chủ đề năm nay của TECHFEST là “Khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối toàn cầu” (From here. To global). Chính vì vậy, trong nghi thức bấm nút khai mạc, có ba đại diện thuộc các tổ chức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo toàn cầu tham dự đó là bà Susan Amat, sáng lập viên mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN, ông Peter Ong, chủ tịch Singapore Enterprise, Thành viên ban quản trị WEF Philipp Rösler. Lễ khai mạc năm nay cũng dành một góc để các startup và những người hỗ trợ khởi nghiệp năm nay được “tỏa sáng” và đưa ra những chia sẻ dưới góc nhìn của mình để startup Việt có thể vươn ra thị trường quốc tế. Phần lớn đều liên quan đến các góp ý chính sách về giáo dục – đào tạo và gọi vốn, mở rộng thị trường. Trong đó Ami, doanh nghiệp được giải nhất cuộc thi trong khuôn khổ TECHFEST 2017 với chuyến đi thăm Sillicon Valley và về sau được ươm tạo tại vườn ươm MAGIC, Malaysia cho biết, chính phủ cần thay đổi những chính sách về mua sắm công nhằm tạo điều kiện cho các startup tham dự và sẵn sàng thử những công nghệ mới để giải quyết những bài toán nóng của đô thị. Trần Quang Hưng, đại diện cuộc thi VietChallenge, cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt ở nước ngoài, đề xuất chính phủ có có chính sách cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam được huy động nguồn vốn đầu tư từ chính xã hội như mô hình crowdfunding, ICO, hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp trong nước đặt đại diện tại một số trung tâm khởi nghiệp uy tín ở nước ngoài để có thể cập nhật và cung cấp thông tin, kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Lưu Thế Lợi, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học quốc gia Singapore, CEO của Kyber Network, một startup đình đám liên quan đến giao dịch bằng tiền mã hóa vừa gọi vốn được 52 triệu USD cho rằng, thành công của anh là sự kết hợp giữa một hệ sinh thái phù hợp và một nền giáo dục tiên tiến. Anh cũng đưa ra kiến nghị, để những dự án khởi nghiệp trong nước tận dụng những công nghệ tối tân nhất trên thế giới, hướng đến giải quyết những bài toán có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống không chỉ của Việt Nam và toàn thế giới, thì trước hết phải có một cộng đồng gồm nhiều lập trình viên, nhà nghiên cứu giỏi về những lĩnh vực đó và một môi trường pháp lý để cộng đồng khởi nghiệp “thỏa sức sáng tạo” và “thử nghiệm những sáng tạo của họ” mà hệ thống hiện tại chưa đề cập đến.

Một góc triển lãm của Techfest 2018. Năm nay có hơn 250 nhà đầu tư tham dự nhưng mới chỉ có khoảng hơn 200 startup. Bên phải bức ảnh là gian triển lãm giới thiệu sáng kiến cổng dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, sẽ giúp startup tiếp cận với các dịch vụ tư vấn hàng đầu thế giới với giá ưu đãi. Ảnh: Hảo Linh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận rằng sự hiện diện của các startup Việt Nam trên thế giới còn khiêm tốn và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn chưa tốt: “Chính phủ cũng nên tự hỏi mình rằng, tại sao nhiều người Việt phải ra nước ngoài khởi nghiệp, đặc biệt là Singapore?”. Và Thủ tướng thông báo một số giải pháp và cam kết của chính phủ. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất”. Theo đó, đáng chú ý là, sắp tới chính phủ sẽ xây dựng một chương trình khung quốc gia về khởi nghiệp và sáng tạo, tầm nhìn 2045 với chính sách cụ thể hơn Đề án 844 (về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp) và Đề án 1665 (về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp). Ông cũng đề xuất thành lập các Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia kết nối những người có năng lực ở lĩnh vực kinh doanh và công nghệ và các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp, trước mắt đặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính và cấp nguồn lực cần thiết [cho trung tâm], nhưng không quản trị kiểu hệ thống hành chính quan liêu...”. Các trung tâm này, theo ông sẽ hoạt động tương tự như các vườn ươm, “huấn luyện và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, khuyến khích và thách đố các nhà khoa học bước ra khỏi phòng thí nghiệm, nói chuyện với ngôn ngữ của khách hàng”. Đồng thời, đây cũng là dự án thử nghiệm để xây dựng các cơ chế hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp, chính phủ sẽ có quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp để được nhận đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.

Tia sáng (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ