SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

APO triển khai dự án đánh giá nhu cầu phát triển năng lực đáp ứng công nghiệp 4.0

[04/01/2019 15:09]

Mới đây, tại New Delhi, Ấn Độ, Tổ chức năng suất châu Á - APO đã tổ chức cuộc họp điều phối chuyên gia trong khuôn khổ dự án đánh giá nhu cầu phát triển năng lực đáp ứng công nghiệp 4.0 tại các quốc gia thành viên.

Tiến sĩ Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Đổi mới công nghệ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Hàn chia sẻ tham luận tại cuộc họp. 

Dự án về nghiên cứu nhu cầu phát triển năng lực đáp ứng công nghiệp 4.0 do Tổ chức năng suất châu Á (APO) triển khai. Thành phần tham gia là các nền kinh tế thành viên của APO bao gồm Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Dự án hướng đến mục tiêu đánh giá mức độ tích hợp Công nghiệp 4.0 vào các chính sách Công nghiệp quốc gia trong các nước thành viên tham gia dự án, đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện Công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp trong khu vực; xác định nhu cầu thiết yếu để phát triển năng lực thực hiện Công nghiệp 4.0 ở cấp quốc gia và xây dựng khuyến nghị lộ trình quốc gia về nhu cầu xây dựng năng lực đáp ứng Công nghiệp 4.0 góp phần tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.

Tiến sĩ Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Đổi mới công nghệ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Hàn (INCENTECH), trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là chuyên gia đại diện của Việt Nam tham gia thực hiện dự án nghiên cứu này.

Tại cuộc họp, Tiến sĩ Ernst Hartmann, Trưởng phòng Giáo dục, Khoa học và Nhân văn; Giám đốc học viên Sáng tạo và Công nghệ (IIT), VDI/VDE tại Berlin, Đức đã giới thiệu về Cách mạng Công nghiệp 4.0, đồng thời chỉ ra những thành công, thách thức về sự sẵn sàng của các nguồn lực trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Đức.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ernst Hartmann còn đề cập tới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với kinh tế cũng như các kế hoạch chuẩn bị cần thiết của ngành công nghiệp các quốc gia trên thế giới khi tự động hóa đã trở nên dần thay thế các hoạt động thường ngày của ngành công nghiệp truyền thống.

Tham luận tại cuộc họp, Tiến sĩ Bùi Bá Chính đã có bài trình bày về bối cảnh của Việt Nam trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 chỉ ra những thuận lợi của Việt Nam về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thị trường thương mại điện tử tiềm năng và những chính sách ban đầu của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo ông Chính, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tiếp tục cải thiện 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với năm 2016 lên vị trí 45/126, với điểm số cao hơn mức trung bình ở cả 7 trụ cột. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong bối cảnh tham gia vào cuộc cách mạng 4.0. 

Đại diện APO và chuyên gia các quốc gia thành viên tham dự cuộc họp.

Bên cạnh những thuận lợi về Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, ông Bùi Bá Chính cũng chỉ ra bức tranh đầy thách thức của Việt Nam khi lực lượng lao động trong các thành phần kinh tế vẫn chủ yếu là lao động giản đơn, thiếu nguồn lao động chất lượng cao; hạ tầng máy móc thiết bị tiên tiến như hệ thống robot sản xuất dây chuyền, nhà máy thông minh còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ cho cách mạng 4.0 tại Việt Nam còn khá sơ khai.

"Điểm chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm 3 bậc xuống còn đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Đây cũng là một trong những thách thức đối với Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0", ông Chính cho biết.

Đề ra giải pháp, ông Chính cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực và chi phí cho hoạt động R&D tại các doanh nghiệp Việt Nam để phù hợp xu hướng trong khu vực cũng như trên thế giới. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách công nghệ của Việt Nam với các quốc gia khác.

Kết thúc cuộc họp, đại diện APO đã đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ nghiên cứu đối với từng quốc gia trong việc chuẩn bị nguồn lực để tiếp cận thành công Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự nhất trí của chuyên gia tham dự hội thảo. Trong đó, APO khuyến nghị các quốc gia tập trung đánh giá nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, thị trường lao động và hệ thống chính sách hỗ trợ công nghiệp 4.0 trong tiến trình tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0.

vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ