Lâm sản dẫn đầu ngành nông nghiệp về giá trị xuất khẩu 2018
Năm 2018, xuất khẩu lâm sản cả nước đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017 và trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất toàn ngành nông nghiệp.
Ảnh minh họa.
Số liệu do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp khu vực phía Nam năm 2018, xuất khẩu lâm sản cả nước trong năm đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Trong đó, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 95% giá trị (tương đương 8,8 tỷ USD).
Như vậy lâm sản đã chính thức vượt qua thủy sản (khoảng 9 tỷ USD) để trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất toàn ngành nông nghiệp (chiếm trên 23%). Đặc biệt, giá trị xuất siêu của lâm sản cả năm cũng lên tới 6,99 tỷ USD, dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho hay, doanh số 100 doanh nghiệp (DN) dẫn đầu toàn ngành đồ gỗ đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng tới 16,3% so với năm 2017.
Phân tích ban đầu của HAWA cho thấy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nhóm DN trong nước đang chiếm tỉ lệ áp đảo với hơn 55%, số còn lại thuộc về nhóm FDI.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Theo đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, tiếp đó là Nhật Bản, chiếm 13%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Pháp…
Với Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019, đồ gỗ sẽ thêm cơ hội đi sâu vào các thị trường mà lâu nay mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru… Trong khi đó nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU EVFTA cũng được ký kết ngay trong quý I/2019 như nhiều dự báo thì ngành đồ gỗ Việt Nam sẽ còn được tiếp thêm sức mạnh.
Cùng với Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, ngành đồ gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước thay đổi căn bản trong toàn bộ chuỗi cung để hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Thách thức chưa hết
Trong năm 2018, chuỗi giá trị ngành đồ gỗ đã có nhiều chuyển biến lớn với sự tích cực mở rộng thị trường nội địa của các nhà phân phối; có DN được công nhận là thương hiệu quốc gia. Công tác thiết kế, đào tạo nhân lực được hậu thuẫn lớn từ các hiệp hội ngành nghề. Xu hướng đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, chợ gỗ nguyên liệu… để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng thể hiện rõ rệt ở hàng loạt dự án, trị giá từ vài triệu USD đến hàng chục triệu USD. Đáng chú ý, hầu hết các công ty này (trừ Công ty San Lim - Indonesia) đều là DN trong nước.
Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, nhưng khó khăn mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2019 cũng sẽ không ít.
Theo đó, ngoài chủ trương hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế từ những sản phẩm chịu ảnh hưởng trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ngành đồ gỗ còn phải đấu tranh với việc loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng các nguồn gỗ tự nhiên không minh bạch từ một số nước.