Dệt may Việt Nam kỳ vọng cơ hội bứt phá trong năm 2019
Năm 2018 là một năm nhiều thách thức nhưng khá thành công của ngành dệt may. Đồng thời, là năm bản lề để mở ra cánh cửa mới cho dệt may Việt Nam trong năm 2019 với những hiệp định có giá trị cho nhiều doanh nghiệp.
Nhiều kỳ vọng
Sản xuất hàng sợi - may xuất khẩu của Công ty Cổ phẩn Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017, là một trong 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2018 tình hình thế giới diễn biến phức tạp; chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp và khó lường; khoa học công nghệ phát triển nhanh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ những chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên) cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2019.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Các chuyên gia cũng nhận định, năm 2019 Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành hàng của Việt Nam; trong đó có dệt may. Bên cạnh tác động từ CPTPP, ngành dệt may cũng đang chờ đón sự dịch chuyển đơn hàng tích cực hơn từ Trung Quốc qua Việt Nam do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Sài Gòn 3, khi đơn hàng dịch chuyển qua nhiều, cái lợi đầu tiên chính là các doanh nghiệp Việt Nam có quyền lựa chọn những đơn hàng có giá tốt hơn, các điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để đón đầu những cơ hội này các doanh nghiệp trong nước cũng đang từng bước cải tiến công nghệ, đầu tư những công nghệ mới hơn.
Thận trọng trước các thách thức
Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Far Eastern New Apparel Việt Nam - KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Tuy nhiên cơ hội luôn song hành với thách thức nếu không chủ động đối phó. Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2019 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may trong giai đoạn cần sự bứt phá, chuyển mình để hội nhập vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam phải chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng với mong muốn mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may trong thời gian tới, buộc ngành phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu như trước đây, các doanh nghiệp dệt may thường sử dụng nhiều lao động, nhưng gần đây nhân công trong ngành này đã dần được thay đổi bằng hệ thống máy móc, công nghệ tự động, giảm thiểu tối đa nguồn lao động trực tiếp, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, năng suất lao động đạt cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong tương lai, việc các doanh nghiệp tăng đầu tư vào các khâu mà ngành dệt may Việt Nam đang yếu và thiếu là điều tất yếu.
Trong khi đó hiện nay, nguồn nhân lực trong nước lại đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước trong khu vực do cạnh tranh tiền lương. Việt Nam đang thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ ngành dệt may thì người lao động vẫn có nhiều cơ hội nếu được thay đổi về tư duy, được nâng cao chất lượng phù hợp với xu hướng mới.
Bên cạnh đó, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm dệt may cũng có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ngày nay đã có yêu cầu đầu tiên chính là chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, các doanh nghiệp dệt may hơn lúc nào hết cần đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu về xuất xứ nguyên liệu, không qua công nghệ xử lý hóa chất để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Bùi Kim Thùy, Trưởng Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho rằng, Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong 12 hiệp định đã được ký, có 10 hiệp định đã được thực thi, như ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc… và 2 hiệp định chưa có hiệu lực là CPTPP và ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc).
Việc tham gia đa dạng FTA như hiện nay giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Tuy nhiên, thách thức từ chính các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP lên các nhóm ngành như dệt may là rất lớn.
Bởi muốn được hưởng thuế suất ưu đãi phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và cả sự minh bạch trong sổ sách, giấy tờ. Chỉ nói riêng về xuất xứ hàng hóa cả dệt may cũng đang gặp nhiều khó khăn do lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu vẫn rất lớn.
Bà Thùy nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ rất khó để tận dụng các ưu đãi tối đa từ bất kỳ FTA nào. Để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của nguyên liệu, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có xuất xứ trong phạm vi FTA.
Điều này sẽ kích thích các nhà sản xuất, xuất khẩu xây dựng nhà máy tại Việt Nam nói riêng và các nước nằm trong phạm vi FTA nói chung để sản xuất nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng đầu tư vào các khâu mà ngành dệt may Việt Nam đang yếu và thiếu, chỉ có như vậy mới đảm bảo được việc nâng cấp chuỗi cung ứng vừa giúp giữ lại phần lớn giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam.