SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hàng giả - nguy cơ thật

[19/10/2011 10:28]

Chiều ngày 18/10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Hàng giả: sản phẩm giả, nguy hiểm thật”.

Sản phẩm giả...

Sau hơn 4 năm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thực hiện các cam kết song phương và đa phương trong hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh công tác chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích đầu tư sáng tạo và chuyển giao công nghệ với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện theo hướng tiệm cận dần đến các nguyên tắc và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Hiệp ước hợp tác sáng chế, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật... và đặc biệt là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO.

Ngoài ra, các Điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành án, tương trợ tư pháp... giữa Việt Nam và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Hiện nay, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ đơn giản đến hàng công nghệ cao, hàng sản xuất hay tiêu dùng, giải trí. Sở dĩ có tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới là do lợi nhuận kinh tế đáng kể mà các doanh nghiệp làm giả có thể đạt được bằng việc khai thác những sáng tạo và đầu tư sáng tạo của người khác, bằng việc làm nhái các sản phẩm với chi phí sản xuất thấp hơn chi phí của nhà đầu tư sáng tạo.

Trên thực tế, bọn tội phạm ngày càng dễ dàng hơn trong việc sản xuất một lượng lớn hàng giả rồi xuất khẩu chúng trên toàn thế giới, kể cả từ và vào Việt Nam. Theo thống kê, các sản phẩm thường bị làm giả ở Việt Nam là sản phẩm có thương hiệu trong ngành thời trang, dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, xe máy và hàng công nghiệp điện tử, đồ uống có cồn, dược phẩm, thuốc lá, phần mềm...

Sự phát triển của công nghệ số và ngày càng có nhiều thiết bị sản xuất qua sử dụng đã tạo môi trường thuận lợi cho việc làm giả, hoặc vi phạm bản quyền của rất nhiều loại sản phẩm - từ những ngành công nghiệp truyền thống như thuốc lá, dệt may, đến những ngành công nghệ cao như phụ tùng máy bay, phần mềm máy tính và CD ca nhạc.

Nguy hiểm thật

Cũng cần phải nói, nếu không có nhu cầu của người tiêu dùng thì hàng giả sẽ không có thị trường, vì thế, không có động lực để sản xuất hàng giả.

Thực tế, xây dựng và vận hành một hệ thống sở hữu trí tuệ đầy đủ và có hiệu quả là mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần thúc đẩy hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về việc thực thi pháp luật bảo về quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng để thi hành có hiệu quả quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

Điều quan trọng là phải nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như nhận thức rõ ràng tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...bởi người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả. Trước hết cần phải nói đến là thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng vì đó là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối vớ các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.

Một thiệt hại không kém đó là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đây là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do nạn hàng giả gây ra. Hàng giả làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, làm lu mờ hình ảnh nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Không chỉ có vậy, nó còn triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung.

Mặt khác, việc hàng giả hoành hành còn khiến ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện những cam kết song phương hoặc đa phương về sở hữu trí tuệ. Kỷ cương, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, Nhà nước thất thu thuế...

Việc thực thi nghiêm túc quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ là bằng chứng cho thấy một đất nước Việt Nam năng động đang thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghê, tạo điều kiện đổi mới thương mại và khoa học kỹ thuật. Bởi đây là động lực khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và thiết kế mới trong các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử, công nghệ thông tin và các ngành công nghệ cao nói chung...

eFinance Online (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ