SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Rau quả rộng cửa xuất khẩu

[31/01/2019 16:38]

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2019, rau quả tươi và các sản phẩm chế biến từ rau quả tiếp tục là mặt hàng XK có nhiều nhiều triển vọng ở nhiều thị trường lớn.

Rau quả là mặt hàng còn rất nhiều dư địa XK trong năm 2019 cũng như những năm tới

Nhu cầu tiêu thụ nông, thủy sản của Nhật Bản được dự báo tăng khá do nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tốt hơn so với kỳ vọng, người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động ăn uống bên ngoài. Do vậy, các mặt hàng thực phẩm chế biến, sản phẩm ngũ cốc, rau quả đông lạnh và tươi sống, rau gia vị... là những sản phẩm có thế mạnh. Theo Hiệp định FTA VJEPA, rau củ (rau chế biến, nấm, chuối, bơ, ổi, măng cụt, dưa chuột...) là một trong số những nhóm mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% (2016 - 2019).

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 về XK rau quả của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ). Nhật Bản có nhu cầu ngày càng gia tăng với trái cây tươi nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt… Hiện Việt Nam đã được phép XK thanh long (ruột đỏ, ruột trắng), xoài, chuối, dừa sang Nhật Bản, trong đó thanh long là mặt hàng còn dư địa tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng. Các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, đậu lông, súp lơ, khoai lang… của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng XK tại thị trường Nhật Bản.

Nga cũng là thị trường XK rau quả có nhiều tiềm năng cho Việt Nam trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ rau các loại của Liên bang Nga bình quân đầu người đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Liên bang Nga NK khoảng 18,8% rau các loại và 58,5% trái cây các loại để đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong đó, XK rau quả của Việt Nam chiếm thị phần 1,6% tổng NK của Liên bang Nga (đứng thứ 15; sau Ê-cu-a-đo 15%, Thổ Nhĩ Kỳ 14%, Ba Lan 8%, Tây Ban Nha 6%, Trung Quốc 5%, Nam Phi 4%...). Cơ cấu sản phẩm XK sang nước này gồm trái cây nhiệt đới như dứa, chuối, bưởi, vải, chôm chôm, hồng xiêm, mãng cầu, sầu riêng… dưới dạng tươi/ướp lạnh/đóng lon/sấy khô và một số loại rau củ như dưa chuột, cà chua, đậu bắp, ớt, khoai tây, ngô non… dưới dạng muối/dầm giấm/đóng lon. Các sản phẩm này vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhờ nhu cầu thị trường ổn định và tiếp tục hưởng lợi từ Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU.

Ở thị trường EU, thường NK trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, măng cụt, dứa, dừa..., để tiêu thụ chủ yếu tại khu vực cộng đồng người Châu Á sinh sống. Các sản phẩm rau quả chế biến sẵn (đông lạnh, thái lát, sấy, nghiền, snack từ trái cây) vẫn tăng trưởng hàng năm do ít biến động về nhu cầu và giá như rau quả tươi.

Bên cạnh các thị trường XK rau quả lớn kể trên, mặt hàng rau quả của Việt Nam được dự báo là sẽ có cơ hội rộng mở tại nhiều thị trường mới, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn thuận lợi về khoảng cách địa lí. Trong đó, Thái Lan gần đây cũng đã và đang trở thành thị trường XK nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam. Hiện tại, một số mặt hàng đã được xác định ưu tiên cho mở cửa thị trường ở Thái Lan trong năm 2019 như thanh long, mít sấy, vải thiều... Với thị trường Ấn Độ, hàng trái cây từ Việt Nam vào Ấn Độ chiếm thị phần rất nhỏ, chủ yếu là thanh long. Hiện Ấn Độ chỉ NK thanh long của Việt Nam và Thái Lan, nhưng thời gian gần đây, thanh long của Việt Nam đang có xu hướng được ưu chuộng hơn của Thái Lan...

Theo nongnghiep.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ