SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình 712: Điểm khởi nguồn cho những cuộc 'cách mạng' về năng suất

[11/02/2019 09:45]

Nhờ sự vào cuộc quyết tâm của Bộ KH&CN cùng các bộ ngành cũng như sự đồng hành, chung tay từ phía doanh nghiệp, những “điểm sáng” từ Chương trình 712 ngày càng lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội. Và cũng từ chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên những cuộc “cách mạng” thực sự về năng suất, chất lượng.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, qua 8 năm triển khai, Chương trình 712 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chặng đường 8 năm với nhiều “trái ngọt”

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, kể từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Trải qua quãng thời gian 8 năm thực hiện Quyết định nêu trên, với sự quyết tâm, sâu sát của Bộ KH&CN trong đó trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), chương trình đã đạt được nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã được các cơ quan, đơn vị của Bộ KH&CN hỗ trợ tích cực đối với các vấn đề về khoa học công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng, sở hữu trí tuệ…

Cụ thể, đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có 2.600 TCVN được xây dựng (năm 2016 – 2018). Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, đạt trên 54% bao trùm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, giúp các DN chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc, quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.

Hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN) đến nay có khoảng 780 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đặc biệt, chỉ trong năm 2016 – 2018, Tổng cục TCĐLCL đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng khoảng 350 TCVN thuộc các lĩnh vực, đối tượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chủ lực cho hơn 2000 tổ chức, DN thông qua các tổ chức, hội nghị, hội thảo, … Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia cũng luôn được chú trọng với các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL như: Lean, TPM, KPIs,… cho hơn 3000 học viên trên cả nước

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để Chương trình 712 có được nhiều “trái ngọt” như ngày hôm nay, trong công tác chỉ đạo, điều hành của mình, Bộ KH&CN luôn xác định lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ, chuyển giao các kết quả khoa học công nghệ để doanh nghiệp ứng dụng vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung trọng tâm và là mục tiêu trong chương trình 712 mà Bộ KH&CN triển khai.

“Chương trình 712 với những kết quả tích cực đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng, ngày càng có nhiều hơn nữa những kết quả khoa học công nghệ, những giải pháp tiên tiến được chuyển giao, ứng dụng vào doanh nghiệp một cách thuận lợi. Mục tiêu cuối cùng là góp phần nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường. Đồng thời, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế một cách bền vững”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

 Ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ 

Tiếng nói từ các doanh nghiệp tiên phong

8 năm trôi qua kể từ khi Chương trình 712 chính thức khởi động, nhờ sự hỗ đắc lực từ phía Bộ KH&CN mà trực tiếp là Tổng cục TCĐLCL cùng với các chuyên gia hàng đầu về năng suất chất lượng, hàng nghìn doanh nghiệp đã tạo nên những chuyển biến mới trong quá trình sản xuất.

Không ít các doanh nghiệp đã trở thành những đầu tàu của lĩnh vực sản xuất mà họ đang theo đuổi với những kết quả đáng mừng. Và trong số đó, cũng có không ít những “điểm sáng” xứng đáng giữ vai trò là “người tiên phong” trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất.

Nói về những lợi ích mà Chương trình 712 đã đem lại cho doanh nghiệp, ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ– một trong những mô hình DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình cho biết: thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng từ Nhật Bản, Mỹ, Israel của Công ty đã cho ra thị trường những sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao, đảm bảo uy tín trên thị trường.

Năm 2017, việc tham gia Chương trình 712 và áp dụng tiến hành áp dụng bộ tiêu chuẩn Vietgap vào sản xuất, chăn nuôi; áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến,… không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho chính DN mà còn đem đến hiệu quả trong bảo vệ môi trường và công nghệ xanh hóa cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Khang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Bình (Bắc Ninh) cho rằng, Chương trình 712 đã tạo sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của công ty, đặc biệt là việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của công ty...

Cụ thể, ngay từ khi mới thành lập cách đây 9 năm, Công ty đã tiếp cận và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 90001 và Hệ thống quản lý về môi trường ISO 14000. Đây cũng là một trong những yêu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của khách hàng.

Theo ông Khang, tích hợp các hệ thống quản lý sẽ giúp cho việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt và kiểm soát chất lượng của dịch vụ ngày một tốt hơn. Nhân viên của doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các quy trình được soạn thảo trong hệ thống tài liệu.

“Tỷ lệ sai hỏng sản phẩm của chúng tôi sau khi áp dụng áp dụng tích hợp hệ thống quản lý cùng các công cụ cải tiến giảm 12%. Năng suất năm 2017 tăng 15% so với 2016, tiền lương tăng 7,8% so với năm trước. Đặc biệt, môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng thoáng mát và được rất nhiều khách hàng tin tưởng, đặt hàng”, ông Khang vui mừng chia sẻ.

vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ