Xuất khẩu rau quả thêm “trái ngọt”
Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả của Việt Nam lại được quan tâm nhiều nhất như hiện nay và trong tương lai. Thời báo Kinh Doanh ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân về những ước mong, kỳ vọng trong năm mới 2019 để xuất khẩu rau quả bền vững hơn.
Phải có vùng chuyên canh lớn
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty Vina T&T Group
Điều chúng tôi quan tâm nhất trong năm 2019 đối với thị trường xuất khẩu rau quả là phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng.
Một khi những thị trường xuất khẩu đều khó tính thì người nông dân phải tạo ra những sản phẩm an toàn tuyệt đối để bán ra thị trường.
Chúng ta cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị nhằm đáp ứng những thị trường mà lâu nay được xem là dễ tính và cần có thời gian để chứng minh với họ rằng sản phẩm của chúng ta là tốt để có thể xuất được chính ngạch. Chỉ có con đường chính ngạch thì xuất khẩu rau quả mới có thể bền vững.
Chính điều này cũng giúp doanh nghiệp nông nghiệp tự tin hơn vào đầu tư và khai thác vùng nguyên liệu và chỉ có hợp tác xã mới có thể quy tụ nông dân để có vùng chuyên canh lớn.
Từ vùng chuyên canh lớn đó, chúng ta mới áp dụng được công nghệ cao và quản lý chặt chẽ trong chăm sóc cây trồng để tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn và chất lượng khi xuất khẩu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với hệ thống Thương vụ và Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng kế hoạch chi tiết xúc tiến sản phẩm các mặt hàng rau củ quả Việt ra thị trường nước ngoài.
Ngoài việc đàm phán tháo gỡ khó khăn và gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, chúng ta phải hướng tới việc xây dựng các chuỗi phân phối tại nước ngoài bằng các hệ thống siêu thị ở chính nước bản địa. Nếu không dùng và tương tác với hệ thống này, chúng ta sẽ không thực hiện được việc xuất khẩu nông sản rau củ quả sang thị trường một nước và bám trụ thị trường đó trong thời gian dài. Đây là việc cần phải làm!
Hơn nữa, công tác chế biến cũng rất quan trọng, vì nếu xuất khẩu nông sản thô, nhất là với mặt hàng trái cây, thời gian bảo quản của chúng ta còn chưa cao.
Đây là những vấn đề mà chúng ta cần khắc phục để làm sao tạo dựng những sản phẩm chế biến đông lạnh bảo quản được, lên trên kệ siêu thị và tới bàn ăn người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài.
Đây là việc cần sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, của nông dân và những người làm chính sách.
Tạo chuỗi liên kết bốn nhà phát triển
Gs.Ts. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ
Là một nhà khoa học về nông nghiệp, điều tôi mong muốn trong năm 2019 là nền nông sản Việt Nam phát triển thật tốt, nhất là những cây trồng có thế mạnh, điển hình như cây ăn quả. Vai trò của cây ăn quả ở Việt Nam tới đây sẽ vượt qua cây lúa bởi tính độc đáo.
Đơn cử như vải thiều Việt ngon hơn vải thiều Thái Lan. Nhất là các loại trái như đu đủ, dứa, xoài, vú sữa… đang xuất bán ở nhiều thị trường. Xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam sẽ thắng trái cây của các nước.
Tuy nhiên, điểm yếu trong xuất khẩu trái cây của chúng ta là chưa làm theo chuỗi, không gắn kết được chuỗi liên kết bốn nhà (nhà nông – Nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).
Tôi rất mong Đảng và Nhà nước phải thấy chỗ này là “cú đấm” rất mạnh của nông nghiệp Việt Nam, cần phải cố gắng làm thế nào để tạo mọi điều kiện để chuỗi liên kết bốn nhà phát triển thì chúng ta mới mong nông dân giàu lên được, đất nước giàu lên được.
Tiện ích, tiện lợi, tiện dụng hơn!
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit
Điều tôi mong muốn trong năm 2019 là các doanh nghiệp trong ngành hàng chế biến trái cây hãy nghĩ đến những gì đơn giản nhất, cái gì nhiều người mê thì mình làm cái đó, nhưng mà phải làm sao cho tiện ích, tiện lợi, tiện dụng hơn.
Có một câu châm ngôn mà tôi hay nói với các nhân viên của mình là “chúng ta phải làm sao để đưa toàn bộ khu vườn vào trong nhà, trong phòng máy lạnh và vào trong nhà bếp của người dân thành thị để họ dùng một cách tiện dụng nhất mà vẫn tươi sống”.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đầu tư vào công nghệ nếu muốn gia tăng giá trị sản phẩm trái cây. Sản phẩm tiện ích mà không có sức bật, sự khác biệt thì không được, mà muốn khác biệt thì phải có công nghệ. Khi đó, chúng ta mới có thể chiếm lĩnh được thị trường.
Tôi nghĩ trong năm 2019, các doanh nghiệp ngành hàng chế biến rau củ quả cần chủ động hơn nữa “xách giỏ đi chợ” tại các hội chợ quốc tế ở nước ngoài vì có rất nhiều thứ chúng ta được.
Thứ nhất là được học hỏi vì những tinh hoa, xu hướng mới nhất của các doanh nghiệp đều được mang ra tại hội chợ để họ so tài. Mà ở đó, mỗi doanh nghiệp đều có một câu khẩu hiệu (slogan) phía dưới để nói về xu hướng của mình.
Thứ hai là để mang hàng của chúng ta tìm đến nhà phân phối, tìm người mua hàng, đi so tài với các đối thủ khác. Và khi so tài thì mình sẽ biết thắng ở chỗ nào, thua ở chỗ nào để khi trở về sẽ nỗ lực sửa đổi…
Đáp ứng được tiêu chuẩn của nước nhập khẩu
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình
Trong năm 2019, để xuất khẩu trái cây được ổn định và bền vững, Nhà nước cần xây dựng cho được những tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp đi liên kết phát triển sản xuất để có sản phẩm xuất khẩu. Phải có được tiêu chuẩn của doanh nghiệp đó đưa ra hay tiêu chuẩn của nước sở tại đưa ra, lúc đó trái cây hay cây trồng vật nuôi, sản phẩm nông sản của chúng ta không bị trả về.
Chúng ta phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nước nhập khẩu thì mới bền vững được. Còn nếu chúng ta cứ “lộp xộp”, nay đi, mai mốt trả thì câu chuyện nông sản có nguy cơ “vỡ trận” khi phát triển mạnh quá. Hiện nay, chúng ta tập trung vào thị trường Trung Quốc hơi nhiều, kim ngạch xuất khẩu nông sản của chúng ta nằm ở thị trường này rất lớn và nếu không khéo thì có thể bị “vỡ trận”.
Theo thoibaokinhdoanh.vn (Duc Thuy)