SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Làm tiêu chuẩn chất lượng, cực thì cực nhưng qua rồi thì… sướng

[21/02/2019 09:07]

Thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dù cực nhưng lại giúp doanh nghiệp thấy vui hơn vì môi trường đảm bảo, sản phẩm của mình xuất sang được nhiều quốc gia khó tính.

Một gian hàng đạt tiêu chuẩn Global Gap bên ngoài hội thảo được nhiều người quan tâm. Ảnh: Hà Thế An.

Những điều này được các đại diện doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới” do Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức chiều 20/02. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình tôn vinh 542 doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao năm 2019.

Cực mà vui

Ông Hải Vũ hiện đang kinh doanh làm sản phẩm nhựa mang thương hiệu Rạng Đông nhưng mấy năm gần đây có làm thêm mảng nông nghiệp. Có một lần, đối tác đến từ Úc yêu cầu ông tìm nguồn trái cây sạch để mua.

Ông tìm về quê hương mình ở Tiền Giang gặp đại diện xã và Hội nông dân xã đặt vấn đề bán quả mãng cầu gai xuất khẩu. Nhưng khi hỏi về việc thực hiện tiêu chuẩn của nông dân, ông mới biết rằng, nông dân chỉ làm đạt 10% tiêu chuẩn. Nhiều người than rất khó làm và khi lấy tiêu chuẩn xong rồi thì họ lại làm theo tập quán.

“Tôi mất mối kết nối để xuất mãng cầu gai sang Úc và thật sự tiếc cho nông dân. Làm tiêu chuẩn sao khó đến thế”- ông Hải Vũ trải lòng.

Đồng cảm với câu chuyện làm tiêu chuẩn, ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm Antesco, cho biết cách đây mấy năm ông thực hiện tiêu chuẩn Global Gap cho trang trại rau quả với quy mô nhỏ để thí điểm. Khi chọn xong phần đất đạt tiêu chuẩn, ông tiến hành thực hiện các quy trình theo chuẩn để trồng rau.

Sắp đến ngày đoàn kiểm tra tiêu chuẩn đến kiểm tra để chứng nhận, bỗng dưng có một hộ gia đình mở trang trại chăn nuôi bò ngay khu vực gần nguồn nước nơi ông trồng rau. Điều này đe dọa đến nguồn nước trồng rau của trang trại ông Luận.

Trong đêm ông phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp yêu cầu gia đình nuôi bò tháo dỡ và dời địa điểm chăn nuôi.

“Nếu không có chính quyền, chắc chúng tôi sẽ thất bại trong hành trình làm tiêu chuẩn cho trang trại rau. Biết là làm tiêu chuẩn cực lắm, nhưng khi xuất được sang thị trường nước ngoài cảm giác vui sướng vô cùng”- ông Luận nói.

Hiện nay các sản phẩm rau, củ của Antesco xuất hiện ở 90% cửa hàng ăn uống (sử dụng làm món tráng miệng) tại Nhật Bản.

Ông Luận cho biết thêm, chỉ có làm những điều thực tế, thực hiện thí điểm những khu vực trồng rau theo tiêu chuẩn, chất lượng thì nông dân họ mới tin và làm theo. “Thực hiện theo tiêu chuẩn trước hết là mang lại lợi ích cho chính mình với không gian xanh, môi trường sạch rồi sau này là giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận”- ông Đúc kết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam, để nhiều người dân hơn thực hiện các tiêu chuẩn, chất lượng không chỉ đến từ giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan đến vấn đề thị trường, marketing và cả một hệ sinh thái trong lĩnh vực này.

“Thuyết phục người dân làm theo tiêu chuẩn là phải cùng nhau xây dựng được giá trị chung, tìm đầu ra cho những sản phẩm của họ thì khi đó mới có nhiều người hơn làm thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng”- bà Minh nói.

Theo Th.s Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm, nông dân Việt Nam chưa quen với xây dựng tiêu chuẩn và có trách nhiệm với môi trường. Một vấn đề khác đến từ câu chuyện chi phí khi áp dụng tiêu chuẩn. Vì thế, hiện nay Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã xây dựng tiêu chuẩn trung gian là “Local Gap” đạt được khoảng 30% các tiêu chí của GlobalGap để giúp nông dân làm tiêu chuẩn với chi phí thấp hơn nhiều.

“Nông dân chỉ mất tối đa 3 năm để từ Local Gap lên Global Gap. Chúng tôi sẽ kết hợp với đơn vị khuyến nông từng địa phương cùng thay đổi hành vi sản xuất của nông dân. Tất cả sẽ cùng chung tay để tiêu chuẩn xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta”- Th.s Thanh nói.

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ câu chuyện làm tiêu chuẩn chất lượng của mình tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Người tiêu dùng sẽ “soi” tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, dẫn chứng một trong những xu hướng hiện tại và tương lai của người tiêu dùng là trải nghiệm sản phẩm (theo Global Consumer Trends Survey năm 2017).

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm bằng trải nghiệm 5 đến 6 điểm chạm. Các điểm chạm này theo cách thức tiếp thị của doanh nghiệp. Có đến 4 điểm chạm theo trải nghiệm sản phẩm trên mạng internet và 2 điểm chạm trực tiếp tại các cửa hàng bán sản phẩm.

Điều đó theo bà Vân, hoạt động trải nghiệm sản phẩm trực tuyến là một xu hướng hiện nay mà người tiêu dùng đang thực hiện. Tuy nhiên, xu hướng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp cũng chiếm vị trí quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các Experience Center (trung tâm trải nghiệm) để phục vụ khác hàng.

“Dù là phương pháp kinh doanh trực tiếp hay trực tuyến thì mục tiêu quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tạo ra những cơ hội trải nghiệm cho khách hàng bằng các phương pháp khác nhau. Người tiêu dùng đang có xu hướng mua trải nghiệm nhiều hơn là mua sản phẩm”- bà Vân nhấn mạnh.

Cũng theo bà Vân, tiêu chuẩn, chất lượng gắn với hành vi mua sắm người dân. Họ đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, sự thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe của mình.

Sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe sẽ là chìa khóa mua được lòng trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm của một doanh nghiệp. Tăng sức khỏe, tăng xanh, cuộc sống xanh là xu hướng tiêu dùng trong tương lai mà bất cứ doanh nghiệp nào muốn hội nhập đều phải đáp ứng.

“Chúng ta phải chuyển động với xu thế của thế giới. Tiêu chuẩn chất lượng mở ra cuộc chơi công bằng, mở ra cho mọi người, và không có bảo hộ nào. Vì thế doanh nghiệp đi theo tiêu chuẩn không thể đi một mình mà cần cộng tác với các đối tác để cùng nhau xây dựng”- bà Vân nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Cục phó, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2018 Việt Nam có khoảng 11.500 tiêu chuẩn trên tất cả lĩnh vực. Đến năm 2020 có hoảng 12.000 tiêu chuẩn với độ hài hòa khoảng 60% so với tiêu chuẩn quốc tế.

"Để doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi sẽ đồng hành với Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao hỗ trợ đắc lực cho hoạt động này. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để doanh nghiệp làm tiêu chuẩn chất lượng", ông Linh cho biết thêm.

 

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ