Hàng nông sản xuất khẩu đối mặt với 5 thách thức
Nông nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất nhỏ, phân tán, trong khi, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa thuộc lĩnh vực này, khiến hàng nông sản xuất khẩu nước ta đang phải đối diện với 5 thách thức.
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” diễn ra sáng ngày 5/3 tại Hà Nội. Ảnh: H.V
5 thách thức lớn
Trong năm 2018, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD...
Tuy nhiên, nhìn nhận về “bức tranh” xuất khẩu nông sản năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn.
Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản; đầu ra gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 và cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu; các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn khắt khe; xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, "tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Giá các mặt hàng cây công nghiệp sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tới nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế so sánh trong nước...”, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Làm thế nào để bứt phá?
Năm 2019 là năm hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển ngành Nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: Tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Bộ sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý”.
Xuất khẩu nông sản đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân, xây dựng các mô hình phát triển theo chuỗi... để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quốc Toản, để tăng cường xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp cần tăng cường các biện pháp tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại của các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam thâm nhập và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thế mạnh ra thị trường thế giới...
Ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu, nhằm giữ uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.