Ngành gỗ Việt Nam: Ra biển lớn ắt gặp sóng gió
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 1 đầu năm 2019 đạt 952 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ liên tục đạt đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, hành trình phát triển của ngành gỗ Việt Nam giống như một người từ ao làng bước ra biển lớn. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sóng dữ ắt sẽ nhấn chìm.
Nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm
Sự phát triển “nóng” của ngành chế biến đã nâng vị thế của ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế lên tầm cao mới, nhưng nội lực của ngành vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập.
Trước mắt, cần nói đến gỗ - nguyên liệu chiếm gần một nửa tổng chi phí sản phẩm. Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Woodsland, đông đảo doanh nghiệp sản xuất trong ngành chế biến gỗ đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc thu mua nguyên liệu. Nguyên nhân chính là do thương lái thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô.
Nhiều nước trong khu vực cũng đã ban bố chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng, đặc biệt như Lào, Capuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc…, dẫn đến tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực một cách rõ rệt.
Ngành chế biến gỗ trong nước đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Trung Hiếu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 8-9 triệu m³ gỗ tròn (riêng năm 2018 nhập kỷ lục tới trên 9,7 triệu m³). Các doanh nghiệp chế biến gỗ rất mong muốn đầu tư trồng rừng để ổn định nguồn nguyên liệu. Ví dụ, công ty Hào Hưng muốn đầu tư 100.000ha, các công ty Nafoco, Woodlands, Scansia pacific… đều mong có kết hoạch đầu tư từ 30 - 50 ngàn ha rừng trồng cho mỗi công ty, nhưng không có đất phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, năm 2019 Việt Nam đặt quyết tâm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ 12 - 15% để đạt giá trị khoảng 11 tỷ USD. Hiện nay, các hiệp hội và doanh nghiệp đang có trong tay đơn đặt hàng quốc tế. Việc quan trọng lúc này là đảm bảo nguồn cung ứng khoảng 37 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trong đó nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 28,5 triệu m3, nhập khẩu 9 triệu m3.
Để dần làm chủ được nguồn nguyên liệu thì điểm cốt lõi là phải phát triển rừng. Nhưng trong thực tế quỹ đất lâm nghiệp cơ bản giao cho các hộ nhỏ lẻ. Rừng thì phát triển theo kiểu da báo (thiếu vùng chuyên canh), hiệu quả trồng rừng thấp và mang nặng tính chất phủ xanh đất trống đồi trọc.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác nghiên cứu chọn tạo giống hiện nay chủ yếu là các loài cây nhập nội sinh trưởng nhanh, chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu, cải thiện giống cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Hiện nay chúng ta có khoảng 171 giống cây lâm nghiệp, nhưng số lượng đưa vào sản xuất còn rất thấp (56 giống, chiếm tỷ lệ 32,7%). Nguyên nhân là do các địa phương sợ rủi do khi sử dụng giống mới; diện tích trồng rừng thâm canh còn hạn chế. Công tác quản lý và cung ứng giống cây đầu dòng cho sản xuất còn những khó khăn, bất cập.
Để tạo đột phá về trồng rừng, con đường nhanh nhất là tái cấu trúc lại các công ty lâm nghiệp một thành viên ở các tỉnh. Bởi đây là các đơn vị đang quản lý quỹ đất rừng tốt nhất, lớn nhất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp họ chuyển đổi kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, rạo ra những cánh rừng trồng đại ngàn giống như của Malaysia và Nam Mỹ…
Đừng cạnh tranh bằng cơ bắp
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Năng lực sản xuất toàn ngành tuy có gia tăng liên tục trong nhiều năm qua, nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017 là 428 tỷ USD, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. Và so sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Từ 2 con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp, trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. Nếu có chính sách đột phá, ngành gỗ sẽ bức phá ngoạn mục.
Xu hướng thị trường đòi hỏi nguồn gốc gỗ hợp pháp cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển rừng trồng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ bền vững. Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia có thể sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường và ngôi quán quân trong ASEAN. Lúc ấy chúng ta chỉ còn khoanh tay ngồi nhìn trong tiếc nuối.
Cũng theo ông Hạnh, trong chuỗi giá trị sản phẩm gồm bốn giá trị: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu. Ngành chỉ mới đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động. Phần lớn các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại. Từ đó thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm. Các nhà sản xuất mới chú trọng kiếm tiền từ hiệu quả phần cứng sản phẩm; chưa phát triển phần mềm thông qua thiết kế và kỹ năng lao động để đưa tư duy sáng tạo và thổi hồn vào sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngoài sản xuất. Mặc dù Việt Nam có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm có công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế và để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc nội. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia cũng chưa chú trọng đúng mức.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Nga - Tổng giám đốc Công ty Koda Sài Gòn, cho rằng: Rất ít công ty có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao. Vậy giá trị của thiết kế chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị của một sản phẩm. Thực sự câu hỏi này không có câu trả lời. Nó là vô giá. Nó biến đổi không ngừng, tùy thị trường, tùy khách hàng (lấy ví dụ về công ty Apple, về công ty Koda). Ở các doanh nghiệp sáng tạo và thiết kế họ bán cái đẹp, bán giải pháp cho khách hàng, họ cạnh tranh bằng chất xám và sáng tạo chứ không phải sức mạnh cơ bắp. Các doanh nghiệp này bán sản phẩm với giá cao, lợi thế cạnh tranh cao. Họ kiểm soát khách hàng chứ không phải khách hàng kiểm soát mình, vì thế họ không chịu nhiều sức ép về cạnh tranh trên thị trường.
Còn ở các công ty không thiết kế và làm theo mẫu của khách hàng thì sao? Khách hàng sẽ chọn công ty nào có giá rẻ nhất để đặt hàng. Khách hàng là người quyết định giá bán. Doanh nghiệp phải làm thật nhanh, thật nhiều thì mới có lợi nhuận. Đây là cạnh tranh bằng cơ bắp. Sản phẩm của các doanh nghiệp này có giá bán rất thấp, lợi thế cạnh tranh thấp.
Bên cạnh đó, kỹ thuật và công nghệ chế biến gỗ của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ phù hợp cho sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ (không có tính chuyên môn hóa cao). Từ đó dẫn đến tình hình chung của nhiều doanh nghiệp là năng suất thấp (chỉ khoảng 20.000 USD/người/năm), chi phí cao.
CẦN CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ MÁY MÓC, CÔNG NGHỆ
Bà Dương Thị Tú Trinh – Giám đốc Cty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, đề nghị nhà nước cần cơ chế khuyến khích ngành máy móc, công nghệ chế biến gỗ phát triển song hành cùng với ngành sản xuất gỗ để hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà nước nên tạo điều kiện về vốn để các DN máy móc chế biến gỗ có thể mua được những công nghệ của các nước như: Đức, Ý, Nhật, hay ít nhất cũng là Đài Loan để DN máy móc chế biến gỗ tự sản xuất máy móc mang thương hiệu Việt. Nếu để doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ tự tìm mua công nghệ thì hiện nay không đủ lực với những ràng buộc và kinh phí lên tới hàng triệu đô la Mỹ.
|
Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tại 5 thị trường truyền thống, có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%; Nhật Bản tăng khoảng 15%; EU tăng khoảng 12%; Hàn Quốc tăng khoảng 25%; Trung Quốc tăng khoảng 8% và các thị trường khác tăng khoảng 16% so với năm 2018. Đồng thời mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Úc, Canada, Ấn Độ.
|