SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nga Sơn” cho sản phẩm Cói

[26/10/2011 20:37]

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 2292/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00028 cho sản phẩm cói Nga Sơn. Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Nga Sơn”.

Bộ cói có tên khoa học là Cyperales. Huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nơi nổi tiếng về trồng cói, cây cói đã được trồng ở Nga Sơn từ lâu đời và là cây chủ lực trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của huyện Nga Sơn, sản lượng cói ở Nga Sơn lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 30%.

Cói Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng và sử dụng như vậy là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại cói khác.

Về cảm quan: cói Nga Sơn có thân cói tươi có màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng, đẹp, dai và bền. Sản phẩm từ sợi cói bóng đẹp, sợi nhỏ và đều.

Về chất lượng: cói Nga Sơn có độ bền, dẻo, dai có giá trị từ 20,4 - 27,6 kg lực/mm. Chiều dài cây cói đạt trên 1,45m.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của Cói Nga Sơn có được là do điều kiện tự nhiên vùng đất này phù hợp cho cây cói sinh trưởng và phát triển; vùng trồng cói thuộc vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, được bao bọc bởi hệ thống núi cao ở phía bắc và phía tây, tạo ra tiểu vùng khí hậu ven biển đặc trưng; hệ thống sông ngòi đa dạng gồm hệ thống sông Mã và sông đào Hưng Long; lượng mưa hàng năm từ 1.550mm - 1.650mm; nhiệt độ trung bình năm từ 23,5oC - 24,5oC; độ ẩm trung bình năm từ 85% - 86%; lượng bốc hơi trung bình năm từ 900mm - 930mm; số giờ nắng cao, hàng năm từ 1.500giờ - 1.600 giờ, lượng bức xạ nhiệt cao, đặc biệt trong thời kỳ thu hoạch cói từ tháng 4 đến tháng 10; cói được trồng trên đất mặn có tổng số muối tan từ 0,16 - 0,62%, hàm lượng Clo từ 0,07 - 0,23%, thành phần cơ giới thịt pha sét, tỉ lệ hạt sét từ 32,05 - 43,83%, độ PH từ 6,21 - 7,03, hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số từ 1,44 - 2,75%, hàm lượng đạm tổng số từ 0,14 - 0,23%, hàm lượng lân tổng số từ 0,06 - 0,12%, hàm lượng Kali tổng số từ 1,96 - 2,5%.

Bên cạnh đặc thù về điều kiện tự nhiên, tính chất, chất lượng đặc thù của cói Nga Sơn có được còn do bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây. Cụ thể: giống được chọn từ các cây cói già, thân to, khỏe, dày mắt và đã được trồng ít nhất 3 năm trở lên; làm đất tùy theo địa hình, đào sâu từ 25 - 30cm đối với đất cao và đào sâu 15 -17cm đối với đất bằng phẳng, làm đất cho thật tơi nhuyễn; cấy cói thành từng khóm, cấy sâu từ 4 - 5cm, cấy hơi nghiêng cây cói; sau khi cấy từ 20 - 30 ngày làm cỏ lần đầu, sau đó, hàng tháng làm cỏ thường xuyên; khi thu hoạch, cói được cắt và chẻ nhỏ, sau đó được phơi ngay trên những cồn cát.

Khu vực địa lý: Xã Nga Liên, xã Nga Tân, xã Nga Thanh, xã Nga Thủy thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh hóa.

http://noip.gov.vn (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ