SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Để mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây không quá... xa vời!

[28/03/2019 08:44]

Để hiện thực mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây, cần tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.

Muốn vậy, Chuyên gia kiến nghị Nhà nước phải thương mại hóa hoạt động của mình hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chiếm 30-35% trên tổng sản lượng.

Đầu tư cho chế biến sâu là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu trái cây.

Tín hiệu vui từ thị trường

Mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở khi 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nhận được nhiều tín hiệu vui từ thị trường. 

Theo ông Đỗ Ngọc Chất - Giám đốc Công ty xuất khẩu trái cây Việt Á, sản lượng chuối của Philippines sụt giảm mạnh do chuối già cỗi, vùng Quảng Tây (Trung Quốc) mất mùa nên thị trường Trung Quốc tăng lượng nhập từ Việt Nam, đẩy giá tăng.

Tương tự, thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm 2019 cũng đang tiêu thụ mạnh, giúp giá thanh long neo mức cao. Đây cũng là thị trường tiêu thụ khoảng 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều chủ nhà vườn tại ĐBSCL cũng cho biết, thanh long ruột đỏ hiện được bán ra ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại và 15.000 - 20.000 đồng/kg ruột trắng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm giá thấp năm ngoái.

Tương tự, giá chuối hiện ở mức cao với 14.000-16.000 đồng/kg và mít Thái lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg. Thậm chí, giá mít Thái lên mức cao nhất trong nhiều năm nay nhưng các nhà vườn không có đủ hàng cho thương lái gom mua xuất đi Trung Quốc.

Giá sầu riêng cũng đang ở mức cao, khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại cũng nhờ thị trường này "ăn hàng" mạnh.

Trước đó, năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017. Trong đó, ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị.

Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD), tiếp theo đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng.

Cũng trong năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 13 thị trường lớn trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc…

Đặc biệt, dự báo của FAO cho thấy thị trường rau quả có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu, trong đó, rau và trái cây chiếm tới hơn 59% và có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016-2021.

Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng. Đây có thể coi là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Đầu tư lớn cho chế biến sâu

Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế rằng mặc dù xuất khẩu sản lượng lớn mỗi năm, tuy nhiên lượng , trái cây được đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Hiện cả nước chỉ có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất trên 800.000 tấn sản phẩm/năm.

Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Cùng với đó, riêng khu vực phía Nam hiện có 14 loại quả có diện tích lớn, trên 10.000 ha/loại. Trong đó, đứng đầu là xoài 80.000ha, chuối 78.000ha, thanh long 53.000ha, cam 44.000ha, bưởi 44.000ha, nhãn 35.000ha, sầu riêng 47.000ha, dứa 33.000ha, chanh 27.000ha…

Trong khi đó, các thị trường ngày càng gia tăng đòi hỏi. Ngay với thị trường vốn được xem là “dễ tính” như Trung Quốc cũng dần trở nên khắt khe. Cụ thể, hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chuối, mít đều kèm theo yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia… cũng yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe, trong đó có yêu cầu trái cây tươi phải được xử lý hơi nước nóng và chiếu xạ, trước khi xuất khẩu. Những vấn đề này làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu chúng ta không nỗ lực chuyển bộ. 

Vì vậy, đầu tư vào công nghệ chế biến là giải pháp giúp ổn định hàng hóa và nâng cao giá trị mà doanh nghiệp cần đầu tư tất yếu. Nói như ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit: “Đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng không dễ nhưng buộc phải làm, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đang đổ vốn vào lĩnh vực này. Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng nhưng đều hướng đến quy trình khép kín và chế biến sau thu hoạch".

Tuy nhiên, với một ngành “bỏ tiền chẵn thu về tiền lẻ” như đầu tư nông nghiệp, doanh nghiệp vẫn còn rè rặt vì rủi ro lớn. Do đó, Chuyên gia Vũ Kim Hạnh cho rằng, Nhà nước phải thương mại hóa hoạt động của mình.

Lấy ví dụ như câu chuyện muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mới đây, họ yêu cầu Việt Nam phải gửi một danh sách những doanh nghiệp nào được cấp chứng nhận cho phép xuất khẩu qua thị trường này, bà Hạnh kiến nghị: "Nếu nhà nước không làm việc này, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu được. Đây không chỉ là sự hỗ trợ mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong xu hướng mới, tức đáp ứng những yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thị trường hơn, xắn tay vào làm, nếu làm chậm chừng nào, doanh nghiệp sẽ thiệt thòi và mất cơ hội”.

Theo enternews.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ