SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điểm danh các thị trường xuất khẩu gỗ tiềm năng

[04/04/2019 10:27]

Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tăng trưởng cao.

Đây cũng là các thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành công nghiệp gỗ.

Doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều hơn vào đầu tư đổi mới công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hết lợi thế từ các thị trường này.

Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường trong khối CPTPP đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2017 và chiếm 18,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu gỗ sang thị trường Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục với 1,119 tỷ USD, tăng 12,16% so với năm 2017.

Tiếp theo là Australia với giá trị đạt 174,05 triệu USD, tăng 14%. Canada xếp vị trí thứ ba với giá trị đạt 155,89 triệu USD.

Tuy xếp vị trí thứ tư và thứ bảy, nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Malaysia và Mexico tăng mạnh, lần lượt là 86% và 61% so với năm 2017. Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Peru, Chile và Brunei.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong nhóm các quốc gia tham gia CPTPP, Nhật Bản luôn đứng vị trí thứ nhất và chiếm 69% tổng lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào các quốc gia CPTPP.

Mặt hàng được Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là dăm gỗ, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến là đồ nội thất.

Australia là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai trong các quốc gia tham gia CPTPP và cũng là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam.

Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ một số thị trường chính như Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.

Theo thống kê nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại Australia tăng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi và ưu đãi lớn từ Hiệp định CPTPP và ASEAN – Australia - New Zealand (ANZFTA) mang lại.

Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Canada cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách và ghế ngồi. Việt Nam là nhà cung cấp đồ nội thất lớn thứ tư của Canada, chiếm khoảng 12,9% kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất của nước này.

Canada là thị trường lớn, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ gia tăng do sản xuất trong nước không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, Canada là quốc gia cung ứng gỗ nguyên liệu dồi dào, với sản lượng khai thác hàng năm đạt 600 triệu m3. Đây là nguồn nguyên liệu nhập khẩu quan trọng cho ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam.

"Các quốc gia khác trong CPTPP là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành công nghiệp gỗ, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hết lợi thế từ các thị trường này. Khi Hiệp định CPTTP đi vào thực thi, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang New Zealand, Singapore và Mexico sẽ tăng. Đồng thời, các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Peru, Chile và Brunei.", ông Nguyễn Tôn Quyền nhận định.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và ván nhận tạo từ quốc gia CPTPP. Malaysia, Chile, New Zealand là ba quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn, nằm trong top 10 các quốc gia Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước CPTPP để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường trong khối.

Hiện, Việt Nam có nhu cầu gỗ nguyên liệu rất lớn nên vẫn phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong khi đó, ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu quy định về nguồn gốc gỗ, gỗ hợp pháp, đòi hỏi Việt Nam phải siết chặt quản lý nguồn gỗ nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, nhập khẩu gỗ từ các nước trong nội khối CTPPP sẽ được hưởng các lợi ích trong việc chứng minh được xuất xứ (C/O) dễ dàng, thuận lợi; gỗ được sơ chế với công nghệ tiên tiến đảm bảo gỗ có chất lượng cao; đặc biệt đây là nguồn cung ứng gỗ có sản lượng khai thác lớn và ổn định hàng năm, đảm bảo tính hợp pháp.

Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần WOODLAND, CPTPP có hiệu lực, thuế quan xuống bằng 0, sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển được thuận lợi hơn.

Thêm vào đó, doanh nghiệp gỗ sẽ học tập được cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả nhất, đặc biệt là gỗ hợp pháp và bảo vệ môi trường.

Khi các dòng thuế nhập khẩu bị cắt giảm, các doanh nghiệp cho rằng, đồ gỗ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia CPTPP trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp phải cải cách quản trị doanh nghiệp để đáp ứng các quy định pháp lý mới từ hiệp định.

Doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều hơn vào đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP./.

Theo bnews.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ