Xuất khẩu sang thị trường Úc (Kỳ 1): Doanh nghiệp khó tận dụng xuất xứ gộp
Khả năng tận dụng xuất xứ gộp hiện nay của doanh nghiệp vẫn còn yếu, vì vậy, không chỉ riêng thị trường Úc mà bất cứ thị trường nào khác trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP đều trở thành rào cản.
Đó là những nhận định của ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây, liên quan đến thách thức tận dụng ưu đãi thuế của doanh nghiệp khi gia nhập thị trường Úc.
Ông Nguyễn Anh Dương
Minh chứng cho thách thức xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương, người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu tại thị trường Úc dẫn ví dụ.
Cụ thể, có doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Úc, lô hàng đầu tiên đáp ứng được tiêu chuẩn bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ 3 độ C, được thông quan. Tuy nhiên ở lô hàng thứ hai, doanh nghiệp lại bảo quản ở 10 độ C, y như rằng lô hàng của doanh nghiệp bị loại ngay lập tức. Việc sản phẩm của doanh nghiệp qua được một lần, không có nghĩa là lần sau họ không kiểm tra. Mà quan trọng là phải duy trì được chất lượng và đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe đó một cách thường xuyên.
Có lẽ ví dụ này không chỉ là câu chuyện của riêng bất cứ một doanh nghiệp nào, mà đó là ví dụ về việc vấn đề liên quan đến việc duy trì chất lượng của doanh nghiệp nói chung khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đây cũng chính là những thách thức mà doanh nghiệp "tự dè đá lên chân mình".
Lý do doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ tự trường Úc, theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Dương đó là văn hoá bảo vệ người tiêu dùng Úc. Điều này có nghĩa, không chỉ đơn thuần là hoàn trả hàng khi doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường Úc là đương nhiên. Ngoài ra, việc doanh nghiệp ghi nhãn không đầy đủ thông tin hoặc cố tình che giấu chất lượng hàng hoá, mục đích sử dụng hàng hoá thì cũng không phù hợp, và vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo tiêu chuẩn của thị trường Úc.
"Điều này cũng lý giải vì sao nhóm ghi nhãn hàng hoá cũng là nhóm bị từ chối hàng hoá nhiều nhất khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu vào thị trường này. Theo đó, thông tin đầy đủ trung thực chỉ là một phần, mà thông tin đó còn phải không được gây ra hiểu nhầm cho người sử dụng nữa", ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
Tôm là một trong những mặt hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Úc phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về đông lạnh. (Ảnh: TN)
Thực tế, theo kết quả từ Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng liên bang Anh, Úc năm 2018 cho thấy, con số về chi phí đền bù trong các vụ việc liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng tăng kỷ lục, lên mức khoảng 282 triệu USD trong năm 2016, 2017. Điều này cho thấy, một doanh nghiệp Việt Nam nếu vì thiếu thông tin về ghi nhãn mà phải chịu sự cố nào đó và bị phạt dù chỉ là một phần nhỏ chi phí trong con số vừa nêu, thì cũng là một khoản chi phí “khổng lồ”, đe doạ trực tiếp tới sự “sống còn” của một doanh nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân được cho là thách thức đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Úc, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương đó là do khả tăng tận dụng xuất xứ, mà cụ thể là xuất xứ gộp của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Doanh nghiệp Việt Nam đang khó tận dụng xuất xứ gộp để xuất khẩu vào các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP
Nghĩa là, khi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực, ví dụ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường Úc, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu nội địa thuần tuý, thì rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu từ các thị trường khác. Ví dụ như, nhập khẩu từ Singapore, Brunei… nhưng quan trọng, muốn nhập khẩu từ các nước đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải biết được mạng lưới nhà cung cấp phù hợp, trong lĩnh vực điện tử, dệt may... họ là những doanh nghiệp nào, đến từ các thị trường ra sao?
Đây là khó khăn với phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bởi rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam thường không nhập khẩu trực tiếp mà phải nhập khẩu qua doanh nghiệp thứ ba. Bởi, không nhập khẩu trực tiếp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm giá đầu vào như thế nào, còn các điều kiện khác ví dụ như đòi doanh nghiệp thứ ba đó đưa chứng nhận xuất xứ nhập khẩu. Hoặc trong trường hợp không mua được từ doanh nghiệp thứ ba, thì có thể tìm được đối tác phù hợp ở thị trường khác không? Để dù ít nhất khi công gộp xuất xứ thì doanh nghiệp cũng sẽ có được bằng chứng để chứng minh và được hưởng lợi.
Tuy nhiên điều này lại trở thành khó khăn ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội từ thị trường Úc.