Xuất khẩu sang thị trường Úc (Kỳ II): Cơ hội từ CPTPP
Để xuất khẩu vào thị trường Úc, doanh nghiệp cần nắm bắt được mạng lưới thương vụ của 10 thành viên trong CPTPP, mạng lưới này là chính là nơi kết nối mạng lưới các nhà cung ứng tại mỗi thị trường.
Một khó khăn nội tại từ phía doanh nghiệp Việt Nam thì có nhiều, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đó là doanh nghiệp chưa xây dựng được mối quan hệ lành mạnh đối với cơ quan Chính phủ.
Kết nối mạng lưới nhà cung ứng
Doanh nghiệp nên kết nối được với mạng lưới thương vụ của 10 thành viên trong CPTPP, mạng lưới này không chỉ là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp mà còn là nơi kết nối mạng lưới nhà cung ứng tại mỗi thị trường CPTPP.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Dương, xây dựng mối quan hệ lành mạnh ở đây không phải là để cơ quan nhà nước làm hộ hay xây dựng chính sách có lợi cho bất cứ một hay một nhóm doanh nghiệp nào, mà lành mạnh ở đây là phía doanh nghiệp có những kiến nghị phù hợp cho Chính phủ để điều chỉnh chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, Chính phủ cũng điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho hình ảnh của Chính phủ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Điều này đặt ra câu chuyện nâng cao năng lực, không chỉ là nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, trong nhiều cuộc trao đổi, hội thảo thì doanh nghiệp và các Bộ, ngành dường như có rất ít cơ hội để gặp và đối thoại trực tiếp với nhau trong cùng một buổi nâng cao năng lực như vậy.
Nhìn theo khía cạnh đó, để doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu được sang thị trường Úc, tận dụng được ưu đãi thuế quan, theo kinh nghiệm nghiên cứu từ thực tiễn, ông Nguyễn Anh Dương, đề xuất:
Trước tiên, đó là xây dựng một cổng thông tin trực tuyến ở đó cập nhật đầy đủ những tiêu chuẩn, yêu cầu nhập khẩu của các thị trường, để từ đó, doanh nghiệp dễ sàng soi chiếu. Với việc cung cấp thông tin minh bạch, chính sách rõ ràng, thì chắc chắn doanh nghiệp được hưởng lợi. Đó là kinh nghiệm của Úc.
Thứ hai, doanh nghiệp kết nối được với mạng lưới thương vụ của 10 thành viên trong CPTPP, mạng lưới này không chỉ là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp mà còn là nơi kết nối mạng lưới nhà cung ứng tại mỗi thị trường CPTPP. Khi đã được kết nối, doanh nghiệp có điều kiện tìm được nguồn hàng, đảm bảo xuất xứ thì mới có thể tận dụng được ưu đãi thuế và như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới “tham gia” được vào cuộc chơi chung của CPTPP cũng như thị trường Úc.
Thứ ba, đó là tận dụng được mạng lưới người Việt ở Úc. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Úc ngày một gia tăng, công bố kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, cộng đồng người nói tiếng Việt tại Úc lên tới khoảng 300.000 người, phần lớn trong số họ là hoạt động trong ngành bán lẻ, 6,4% là người làm kế toán, 5,7% là làm nhân viên bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới này.
Ngoài ra, một đặc điểm đáng chú ý đó là, phần lớn trong số họ rất thích sử dụng mạng xã hội, smartphone. Câu chuyện tiếp thị hàng hoá qua thương mại điện tử, mạng xã hội, có phải là một cách tiếp cận tốt đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương lúu ý: “Giữa Việt Nam và Úc không chỉ là thành viên duy nhất của CPTPP mà còn là có cả Hiệp định tự do Thương mại ASEAN, Úc, Newzeland (AANZFTA). Trong đó, Úc vẫn dành ưu đãi thuế quan phổ cập GSP cho Việt Nam”.
Như vậy, “menu” rất nhiều, lựa chọn cũng nhiều, ưu đãi thuế quan ở nhiều mức độ khác nhau, tất nhiên đi kèm với đó là quy tắc xuất xứ khác nhau. Vì vậy, cơ hội cũng “rộng mở” với nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau, đa dạng và linh hoạt.
Trong trường hợp với những doanh nghiệp nào ít có khả năng đáp ứng được yêu cầu xuất xứ, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý, có thể đi theo các hiệp định tương đối dễ và linh hoạt hơn và có thể tận dụng được xuất xứ từ ASEAN ví dụ như Hiệp định AANZFTA.
Những doanh nghiệp nào tự tin, ví dụ những doanh nghiệp trong ngành dệt may chẳng hạn, tự tin, có kinh nghiệm xuất khẩu thì nên tận dụng ngay lợi thế của CPTPP.
“Doanh nghiệp nên tận dụng "menu" mà chúng ta có và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ánh Dương nhấn mạnh.
Chủ động nâng cao nhận thức
Một trong những chương đáng chú ý của CPTPP mà các doanh nghiệp thường không để ý đó là “Chương hợp tác và nâng cao năng lực”.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, “Đây là một chương mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thường không để ý tới, và các cơ quan thường không nhắc đến khi nói đến CPTPP. Chương này rất ngắn nhưng lại rất quan trọng đối với Việt Nam”.
Theo đó, chương này được xem là nền tảng để các nền kinh tế đang phát triển trong CPTPP cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, văn hoá, bình đẳng giới, quản trị rủi ro thiên tai…
“Đây là điều mà doanh nghiệp nên nắm bắt được để từ đó đề xuất với các cơ quan Chính phủ, từ đó cơ quan Chính phủ trao đổi với cơ quan đồng cấp phía Úc để họ có phương pháp phù hợp, tận dụng chương này một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Anh Dương khuyến nghị.
Tiêu chuẩn giết mổ động vận nói chung, trong đó có giết mổ bò nói riêng phải đáp ứng được quy định về giết mổ nhân đạo.
Ví dụ, từ năm 2016, Úc đã dừng việc xuất khẩu bò vào Việt Nam, do thấy được hình ảnh bò bị giết bằng cách đập bằng búa tạ, phía Úc coi đây là hình ảnh giết mổ không nhân đạo. Và phía Úc dùng xuất khẩu bò sống vào Việt Nam. Nhìn ở góc độ hợp tác và nâng cao năng lực thì đây là việc rất quan trọng đó là Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn giết mổ nhân đạo, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng chương hợp tác và nâng cao năng lực này bằng cách nhờ phía Úc hỗ trợ về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, điều này còn mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu sang các khị trường khó tính khác như Nhật Bản, EU…bởi đây cũng là những thị trường có quy định về giết mổ nhân đạo.
Vì vậy ông Nguyễn Anh Dương khẳng định: “Tất cả sẽ chỉ là cơ hội và tiềm năng, muốn được thành lợi ích thực thì cần có sự nỗ lực và khát vọng của doanh nghiệp trên nền tảng doanh nghiệp có nhận thức và nâng cao năng lực một cách đầy đủ”.
Ngoài ra, “để khai thác thị trường CPTPP, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất các vướng mắc của mình, thông qua VCCI, các Bộ, ban ngành từ những kiến nghị đó để điều chỉnh chính sách một cách phù hợp”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết thêm.