Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cần có một 'nhạc trưởng'
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng vẫn đang thiếu 'nhạc trưởng' để dẫn dắt.
Hoạt động khởi nghiệp Việt Nam năm qua có nhiều bước tiến vượt bậc, tăng cả về số lượng và chất lượng. Ảnh minh họa.
4 vấn đề cần tập trung giải quyết
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner...
Nhiều vườn ươm tiêu biểu đã được hình thành như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư cho các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tăng mạnh, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở thế hệ sau.
Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống qua việc liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us, …
Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu ra 4 vấn đề nan giải hiện nay cần sự vào cuộc, nghiên cứu, đề xuất giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, các chuyên gia để tháo gỡ các rào cản giúp kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế; tìm ra giải pháp tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường đến hành lang pháp lý… .
Vấn đề thứ nhất là theo ông Sơn là cần tìm hiểu trên thế giới xem hiện có phương thức mô hình kinh doanh mới nào? Mô hình nào cần thiết và phù hợp với Việt Nam, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mô hình nào phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.
Vấn đề thứ hai là xu hướng “ứng xử” của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số; quan điểm, cơ chế và chính sách phù hợp về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả đối tượng khác nhau; các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình.
Vấn đề thứ ba là những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia; tối ưu hóa môi trường pháp lý; tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp cận tài chính; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc xây dựng thị trường vốn chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Cấp phép nhanh cho các sản phẩm mới đưa ra thị trường
Liên quan tới định nghĩa về mô hình kinh doanh mới, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, những mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới.
Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ. Bản thân bảo hộ sở hữu trí tuệ đã là thước đo về khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác cho thấy họ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, mức độ phạm vi bảo hộ phải mang tính toàn cầu.
Ông Quất cũng khẳng định từ 3 năm qua, khi Thủ tướng Chính Phủ phát động Chương trình quốc gia về khởi nghiệp và được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành như Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục Đào tạo..., hệ sinh thái khởi nghiệp sáng Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào hay tạo công ăn việc làm nữa mà hướng đến làm giàu, tạo ra những thị trường có những ứng dụng mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao có sự cạnh tranh rất lớn từ các thị trường bên cạnh, chúng ta cần có những giải pháp mới liên quan đến ba thứ: cấp phép nhanh cho các sản phẩm mới đưa ra thị trường, huy động nguồn vốn nhanh để chiếm lĩnh thị trường và thứ ba là các giải pháp liên quan tới phát triển thị trường xuất khẩu, ở chừng mực nào đó bảo vệ thị trường trong nước trước những sản phẩm bên ngoài.
Hệ sinh thái khởi nghiệp cần có ‘nhạc trưởng’
Cùng nói về những khó khăn mà mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam phải đối mặt, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng vẫn đang thiếu "nhạc trưởng" để dẫn dắt.
Ông Dũng cho rằng, hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. "Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó. Về mặt chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý", ông Dũng nói.
Theo Tổng giám đốc BK-Holding, hiện chưa cần thiết phải kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam vì số lượng các startup khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít. "Chúng ta cần xây từ gốc xây lên, một chiến lược dài hơi. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp..., nhưng vẫn thiếu một nhạc trưởng.
Trong khi chờ các thể chế thì cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox (khung điều chỉnh thử nghiệm), để thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Ở đó các startup có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm", ông Nguyễn Trung Dũng đề xuất.
Ông Nguyễn Trung Dũng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cần có một 'nhạc trưởng'. Ảnh KH&PT.
Cùng đề xuất ý kiến nhằm hoàn thiện môi trường của hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Trần Trí Dũng, Cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) cho rằng, cần thúc đẩy các đơn vị trung gian.
"Chúng ta đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng. Những hoạt động trung gian hỗ trợ khởi nghiệp này gần như không thể sinh lời, vậy làm sao những tổ chức này có thể hoạt động và phát triển. Cổ phần của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể bán. Tôi cho rằng cần có môi trường pháp lý có thể tạo điều kiện niêm yết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Trần Trí Dũng nói.
Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh thì việc chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin rất quan trọng.
Xây dựng thương hiệu rõ ràng cho nước mắm truyền thống
Tại buổi tọa đàm "Nước mắm hay nước chấm - Làm thế nào bảo tồn truyền thống Việt", diễn ra chiều ngày 17/3 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, nước mắm truyền thống muốn tồn tại cần định vị và xây dựng thượng hiệu rõ ràng với chất lượng cao và giá cả phải chăng để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.
Chia sẻ về quan điểm thế nào thì nên gọi là nước mắm, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, phải có cá thì hãy gọi là nước mắm, các loại nước không có cá dứt khoát không gọi là nước mắm. Dó đó, ông cho rằng Dự thảo tiêu chuẩn nước mắm mà Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản soạn thảo, đưa ra gần đây nên bỏ đi.
Dẫn chứng câu chuyện xây dựng thương hiệu rượu vang nổi tiếng của nước Pháp, GS.TS Võ Tòng Xuân nói rằng nước này đâu có cần quy định tiêu chuẩn rượu vang nhưng họ vẫn nổi tiếng hàng đầu thế giới về rượu vang. Bởi lẽ cùng một nguyên liệu nho nhưng ủ theo công thức nào đối với mỗi thương hiệu là cả một bí quyết và gu của người dùng cũng rất khác nhau. Tương tự, ở Việt Nam, nước mắm truyền thống được sản xuất với rất nhiều công thức gia truyền khác nhau, khẩu vị của người ăn nước mắm cũng khác nhau. Vì vậy, các chính sách, quy định đưa ra cần tôn trọng điều đó, phải tạo điều kiện cho các gia đình sản xuất nước mắm truyền thống để giữ gìn bản sắc và truyền thống Việt.
Dưới góc nhìn của một Nghệ nhân ẩm thực, bà Viên Trân nêu quan điểm, nước mắm của người Việt, trải dài theo từng vùng miền, nước mắm còn mang đậm dấu ấn văn hoá Việt. Cụ thể từ vùng đất Thanh Hoá trở ra là vùng nước mắm miền Bắc. Trong những cuốn sách lịch sử Việt cổ, nước mắm khu vực này từng được gọi là ngư lộ (giọt sương chiết xuất từ con cá) với ý nghĩa vô cùng trong trẻo, quý giá. Vào tới vùng đất Phan Thiết và khu vực Miền Trung có loại nước mắm đặc biệt là nước mắm Lú, chôn một gốc me nào đó, xong rồi quên, mấy năm sau đào lên, nước mắm thơm lừng, sánh đặc vô cùng…Đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngoài nước mắm làm từ cá biển thì có thêm nước mắm đặc biệt là nước mắm Cá Linh - cá nước ngọt duy nhất có thể làm nước mắm.
Vì thế, để bảo tồn phát triển các thương hiệu nước mắm truyền thống, các nhà sản xuất nước mắm Việt cần đoàn kết để sản xuất ra những sản phẩm nước mắm truyền thống đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông... Đặc biệt, cần chú ý đến giá thành sản phẩm, làm sao để giá thành nước mắm cạnh tranh được với nước chấm. Bởi hiện nay giá các sản phẩm nước mắm truyền thống thường đắt hơn các loại nước chấm công nghiệp, vì lợi nhuận và tiết kiệm chi tiêu nên nhiều chủ hàng quán ăn, người tiêu dùng vẫn lựa chọn nước chấm nhiều hơn nước mắm.
Ông Nguyễn Hà Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm BaKa (đơn vị đang phát triển khá mạnh thương hiệu nước mắm cá linh tại An Giang) - cho biết, nghề làm nước mắm của gia đình có truyền thống gần 40 năm nay, để duy trì nghề truyền thống nước mắm, các nhà sản xuất cần quảng bá và định vị thương hiệu cho sản phẩm của mình, thiết kế bao bì đẹp mắt, gọn nhẹ và đặc biệt cần nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cuối cùng sản phẩm nước mắm truyền thống khi làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Sau khi Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607: 2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản soạn thảo được thông qua, ngay lập tức dự thảo này đã nhận được nhiều tranh cãi trái chiều. Lúc này khái niệm nước mắm và nước chấm lại được đưa ra bàn luận và nhiều ý kiến cho rằng nước mắm và nước chấm đang bị “đánh đồng” khái niệm với nhau. Rất may, đến nay dự thảo này đã tạm dừng.
|