SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế dược phẩm

[01/11/2011 08:07]

Tiếp theo thành công của Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/10/2011, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Dự án USAID/STAR Việt Nam tổ chức Hội thảo dành cho khu vực phía Bắc.
 

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối dược phẩm trong nước, cơ quan quản lý dược phẩm, quản lý nhà nước về SHTT, thực thi quyền SHTT, tổ chức đại diện SHTT và các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dung,…

Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh một số vấn đề như: quy định pháp luật quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế về dược phẩm; cơ chế phối hợp trong xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với dược phẩm; vai trò của tổ chức giám định, đại diện SHTT, chủ thể quyền trong thực thi SHTT về dược phẩm,…

Nói về vấn đề xác định phạm vi bảo hộ cũng như tình hình thực tiễn nộp đơn và cấp văn bằng bảo hộ dược phẩm trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Sáng chế số 2- Cục SHTT cho rằng, sáng chế liên quan đến dược phẩm (kể cả sáng chế dạng sản phẩm hay quy trình) luôn được coi là đối tượng có khả năng bảo hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Anh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa thật sự coi trọng và đầu tư đúng mức vấn đề bảo hộ sáng chế về dược phẩm.

Đến nay, có khoảng 7.306 đơn đăng kí sáng chế liên quan tới dược phẩm, trong đó chỉ có gần 190 chủ đơn là doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 2,6%; gần 2.000 bằng độc quyền sáng chế liên quan đến dược phẩm được cấp, trong đó chỉ có 71 bằng có chủ là người Việt Nam, chiếm 3,7%.

Tại Hội thảo, đại diện Thanh tra Bộ KH&CN khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam cần chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết quốc tế (song phương và đa phương) trong việc bảo vệ quyền SHTT nói chung và sáng chế đối với dược phẩm nói riêng. Để bảo vệ mình khỏi các khiếu kiện của chủ thể quyền, đồng thời phòng, tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác, các doanh nghiệp cần thực hiện việc tra cứu thông tin sáng chế về dược phẩm trước khi tiến hành dự án sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc.

Thanh tra Bộ KH&CN cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp nhận được thông báo liên quan đến xâm phạm quyền SHTT cần thực hiện 1 trong 4 biện pháp sau: giải trình về việc không xâm phạm; yêu cầu hủy bỏ văn bằng, nếu có chứng cứ; đàm phán về việc chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) hoặc thỏa thuận với chủ thể quyền về việc chấm dứt vi phạm với sự ghi nhận của cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc.

Trong trường hợp doanh nghiệp bị tố cáo có hành vi xâm phạm không thực hiện các biện pháp nói trên thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, kể cả đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế về dược phẩm đang được bảo hộ.

Hiện nay theo quy định của Nghị định 97/2010/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì chế tài đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực này, ngoài bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm 3 tháng,… Đối tượng vi phạm còn bị phạt tiền đến 500.000.000đ và mức phạt tăng gấp 1, 2 lần đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, đặt hàng sản xuất.

www.most.gov.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ