Cần Thơ: Đẩy mạnh năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP Cần Thơ đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cần Thơ đẩy mạnh năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo sơ kết của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ về Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020” giai đoạn 2016-2018 (Dự án).
Giai đoạn 2016-2018, đã có 44/45 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia Dự án. Đến nay có 12 DN hoàn thành hợp đồng (ISO 9001, ISO/IEC 17025, VietGAP, chứng nhận hợp quy) và được Dự án giải ngân kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, có hơn 10 DN chuẩn bị hoàn thành hợp đồng.
Có được bước tiến đáng kể như vậy là do Ban Quản lý Dự án tổ chức các đoàn học tập, khảo sát thực tế mô hình tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Qua đó, Đoàn đã trao đổi về tình hình triển khai thực hiện Dự án tại các địa phương; những thuận lợi, khó khăn khi triển khai Dự án và công tác tuyên truyền, vận động DN tham gia Dự án; chính sách hỗ trợ DN khi tham gia; cơ chế, thủ tục giải ngân cho DN khi hoàn thành chương trình...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Dự án cũng gặp một số khó khăn, trở ngại. Đa số DN đang rất cần được hỗ trợ vốn lớn để đầu tư thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng; các chính sách miễn giảm thuế, các gói vay ưu đãi có lãi suất thấp... Do vậy, với định mức hỗ trợ kinh phí của Dự án tối đa 130 triệu đồng/DN như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân cho DN còn khắt khe, rườm rà nên DN e ngại khi tham gia Dự án. Hiện nay mỗi Bộ, ngành có những chương trình hỗ trợ DN khác nhau nhưng chưa kết nối, phối hợp với nhau, nên việc hỗ trợ chỉ thực hiện riêng lẻ, trùng lắp, không toàn diện, hiệu quả tổng hợp không cao…
Để việc triển khai Dự án có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đề ra trong giai đoạn 2018-2020, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích của các chương trình, dự án thuộc Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng ở tất cả các cấp để DN thấy rõ đây là chương trình cấp quốc gia, mang tính hỗ trợ DN toàn diện và lâu dài. Nhiều DN kiến nghị thành phố đổi mới cơ chế hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, không để thủ tục thanh quyết toán trở thành rào cản trong quá trình triển khai dự án. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các sở ngành hữu quan cần tổ chức các buổi tập huấn về cách sử dụng vốn sao cho hiệu quả, quản trị DN, xây dựng thương hiệu…
Được biết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN cũng như nền kinh tế, tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712).
Với sự nỗ lực và chủ động từ phía DN và sự hỗ trợ một phần của Chương trình 712, thời gian qua một số DN đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng thành công các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm lãng phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản xuất hàng hóa và khả năng cạnh tranh của DN - trở thành các mô hình điểm về năng suất chất lượng.
Hồng Anh