Vietnam Venture Summit 2019: Thêm thời cơ vàng - Rồi sao nữa?
Lần đầu tiên, gần hai trăm nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khởi nghiệp trên toàn thế giới đã về Hà Nội hôm thứ hai 10.6 trong một ngày đặc biệt: Toàn cảnh về đầu tư mạo hiểm Việt Nam.
Đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm tại một trong những phiên thảo luận ở diễn đàn. Ảnh: Ngô Hà.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, cùng với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội ngồi từ sáng sớm đến quá giờ trưa, chăm chú lắng nghe, tham gia thảo luận. Hơn 1.000 người từ đủ thành phần, nhà đầu tư, vườn ươm, khởi nghiệp, báo chí, và doanh nghiệp lớn cũng có mặt đông đủ. Thời cơ vàng là có thật. Nhưng câu hỏi thường trực được đưa ra: “Rồi sao nữa?”.
Việt Nam vô địch
Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam – Vietnam Venture Summit 2019 được tổ chức bởi ba đơn vị chính thức: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Golden Gate, diễn ra với một tinh thần đầy hứng khởi, chẳng hề kém tinh thần cổ vũ bóng đá cho đội tuyển Việt Nam suýt nữa thì vô địch giải bóng đá King’s Cup vừa qua, khi mà những nhà đầu tư lớn nhất thế giới về khởi nghiệp, như Softbank chẳng hạn, đều dành những lời có cánh cho tiềm năng khởi nghiệp Việt Nam.
Abivin - ứng dụng công nghệ trong ngành logistics – nhà vô địch của Startup WorldCup hai tuần trước – được hết bộ trưởng nhắc tên lại đến video clip vinh danh, thậm chí nhà sáng lập Phạm Nam Long còn được mời lên diễn đàn chia sẻ về câu chuyện của mình. Nhà vô địch mà, truyền cảm hứng ghê gớm. Nhưng sau đó, chỉ có một startup của Việt kiều làm về kinh doanh bất động sản được lên trình bày chính thức và… ký kết hợp đồng đầu tư trị giá triệu USD từ một quỹ Hàn Quốc. Abivin vẫn bị xếp vào danh sách trình bày… cho vui, và chưa thể “chốt kèo” được.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tóm tắt về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Ngô Hà.
Xong, lần lượt từng quỹ đầu tư lên công bố các “kèo” mà mình đã chốt được, hoặc ký những cam kết với số tiền trăm triệu USD cho đầu tư khởi nghiệp Việt Nam thời gian tới. Ông Khanh Trần, điều hành quỹ mạo hiểm của VinaCapital – cũng được yêu cầu lên thông báo về hợp tác mà quỹ này vừa đạt được với hai quỹ lớn nhất Hàn Quốc là Mirae Asset và Công ty Công nghệ internet Naver. Đây là “tiết mục” không có trong chương trình, vì trước đó, khi đáp chung chuyến bay cùng Khanh, anh bảo: “Tụi em ra hỗ trợ ban tổ chức và gặp gỡ đối tác thôi, chờ Venture Summit về tới Sài Gòn mới tới lượt VinaCapital Ventures lên sân khấu”. Nhưng chính những thông tin sốt dẻo này, và sự linh động hiếm có của ban tổ chức, đẩy Khanh lên sân khấu. Khanh viết trên Facebook của mình: “Tháng 12.2018, chuyến đi Hàn Quốc đầu tiên của mình. 3 tiếng trình bày, thấy các bạn hỏi nhiều nên hơi hãi, hóa ra cũng gật đầu tham gia cuộc chơi. 6 tháng ròng rã làm việc cùng nhau, hôm nay công bố kết quả đầu tư chiến lược, giờ đi kiếm founders chắp cánh ước mơ thôi”.
Chuyện Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của đầu tư khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á không phải là mới. Báo chí, nhà phân tích, quỹ đầu tư, đều đã đưa chúng ta vào tầm ngắm từ rất lâu rồi. Không ai xa lạ gì hệ sinh thái Việt Nam. Những người đào vàng chuyên nghiệp của thế giới đã xuất hiện, nhưng vàng ở đâu mới là câu chuyện quan trọng?”.
Cuộc chiến nhân tài
Tôi được yêu cầu điều phối một phiên thảo luận trong diễn đàn này với chủ đề: “Nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, nguồn động lực của phát triển sáng tạo”. Cũng rất hay, khi mà ban tổ chức trao cho một cuộc đối thoại với thành phần rất đa dạng: Giám đốc điều hành Navigos search – công ty “săn đầu người” lớn nhất Việt Nam; Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà sáng lập Topica – công ty khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục bằng công nghệ được xem là thành công nhất Đông Nam Á hiện nay, chủ tịch của Everest Education – một chuyên gia tài chính quốc tế chọn xây dựng và ươm mầm các tài năng trẻ, cũng đang làm tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam, và một startup trẻ măng, cũng là chủ xị của cộng đồng các kỹ sư lập trình Gokking.
Câu chuyện về tài năng của người Việt, thì ai mà không biết. Nhưng những tài năng theo kiểu giám đốc công nghệ Uber là người Việt, tác giả của bộ não Google cũng là người Việt, hay nhiều chuyên gia của NASA cũng là người Việt thì đâu có mới. Còn lại, với gần 1 triệu nhân sự đang làm việc trong lãnh vực công nghệ thông tin, thì điều gì đang xảy ra. Con số 1 triệu này, lớn gấp 4 lần số người trong ngành của Indonesia, nhưng bao nhiêu phần trăm trong đó là “thợ lập trình”, bao nhiêu phần trăm là “kỹ sư phần mềm” và bao nhiêu số còn lại là tác giả của những giải pháp mang tầm thế giới? Cuộc va đập mạnh mẽ giữa bà Phương Mai của Navigos với PGS.TS. Tạ Hải Tùng của ĐH Bách khoa Hà Nội hóa ra rất vui: Thầy Tùng đồng ý rằng sinh viên xịn của ĐH Bách khoa toàn đi làm toàn thời gian khi mới có năm ba, năm tư, và chẳng mấy quan tâm đến luận văn cuối khóa của mình. Bởi vậy, trường đang phải làm ra giải thưởng vinh danh “Luận văn của năm” để kích thích sự sáng tạo, và chuyên tâm của sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Và như cách mà ông Phạm Minh Tuấn Topica nói: tài năng đâu có thiếu, nhưng thiếu một đoạn quan trọng từ một “thợ lập trình” đến “chuyên gia phần mềm”, và Topica chọn giải pháp phải là đào tạo nhân sự, bất chấp tỷ lệ “mất người” là luôn cao, và thêm cổ phần thưởng của công ty dành cho những nhân sự lâu năm, có đóng góp tốt cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, “cuộc chiến nhân tài” đã bắt đầu ở Việt Nam, và hứa hẹn sẽ ngày càng gay cấn hơn nhiều…
Kiên nhẫn, canh tác hay… lướt ván
Rời khỏi diễn đàn, bạn hỏi: “Thứ quan trọng nhất nhận được là gì?”. “Năng lượng đang lên cao lắm. Và những mảnh ghép đang dần xuất hiện cho bức tranh công nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam”. Bức tranh đó, bao gồm nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhiều bộ ngành chính thức “tham chiến”, nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Trường Hải hay Boston Consulting Group nhảy vào quan tâm. Và quan trọng hơn, là sự xuất hiện của hàng loạt startup loại “siêu xịn” của cộng đồng Việt kiều bắt đầu quay về khai thác thị trường và nhân tài trong nước.
Nếu có chuyện gì đó thú vị nhất để kể, thì đó là câu chuyện giữa Christy Lê, sáng lập viên startup Misfit đã thoái vốn trăm triệu USD tại Mỹ và Tuấn – một tiến sĩ đang cùng vợ khởi nghiệp trong lĩnh vực phân tích gene người. Họ nói về cách sắp xếp giờ làm việc giữa đội ngũ ở Việt Nam và Mỹ sao cho có điểm giao nhau để có thể họp hành, trao đổi khi mà hai bên cách nhau đúng nửa vòng Trái đất. Họ lại nói về những cộng đồng cựu du học sinh vẫn gặp nhau và hỗ trợ nhau như thế nào. Cái mảnh ghép này, mà không “ghép cho được” vô hệ sinh thái khởi nghiệp, thì tiếc biết bao nhiêu.
À, còn một việc, cũng hay. Là lần đầu tiên, các quỹ đầu tư không còn… cao giọng khi nói chuyện nữa. Cuộc cạnh tranh về đầu tư là có thật, sự trưởng thành của startup là có thật, và sức mạnh liên kết của những người hỗ trợ hệ sinh thái đã chứng minh được hiệu quả của mình. Hồi xưa, quỹ đầu tư là… chảnh lắm, giờ thì hết rồi, đơn giản là vì, tiền đâu có thiếu nữa, chỉ thiếu sản phẩm xịn thôi. Mà sản phẩm xịn, thì nhà đầu tư phải xếp hàng mà đợi.
Vì sao phải đợi, vì chúng tôi – những người hỗ trợ khởi nghiệp – hay nói với nhau: đừng để nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào “hớt váng”, đầu tư những thứ tốt nhất trong ngắn hạn nữa, hãy bắt họ cùng chúng ta “nuôi dưỡng, canh tác” và kiên nhẫn hơn để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đủ lớn, đủ ngon lành cho sự phát triển chung của mọi người.
Thêm nguồn lực cho nền kinh tế sáng tạo
Tôi rất hào hứng khi thấy sự tham gia ngày càng sâu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng với vai trò chủ chốt của Bộ Khoa học và Công nghệ bấy lâu nay. Và sự có mặt của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND Hà Nội cũng như Quốc hội chính là một chỉ dấu quan trọng của các cam kết mà Chính phủ Việt Nam muốn đưa ra đối với nhà đầu tư quốc tế. Tôi hiểu là chúng ta còn rất nhiều hạn chế, chẳng hạn vì những rắc rối của giấy tờ thủ tục mà nhiều startup phải sang Singapore mở doanh nghiệp. Đó là điều sẽ phải điều chỉnh, nếu không doanh nghiệp Việt Nam khó lòng đầu tư ra nước ngoài.
Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại quan tâm đến Việt Nam? Đó là điều mà chúng ta đang có, và phải giữ cho được điều này. Phải giữ được hòa bình, ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục và không ngừng đổi mới.
Việt Nam có 3 việc cần phải làm:
Thứ nhất là câu chuyện mà Việt Nam liên tục nói đến, là cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh. Dù Việt Nam có một số chỉ số tốt, nhưng tựu trung, khi nói về nền sản xuất tương lai, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm non yếu. Chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ, phải cải thiện thật nhanh.
Thứ hai là đối với cách mạng 4.0, cần phải có những bước đi thật nhanh mạnh hơn nữa. Bây giờ phải thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Thứ ba là Việt Nam phải chú ý hơn đến vấn đề đầu tư giáo dục, khoa học và đảm bảo những điều này bằng chính sách cụ thể.
Toàn xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông, hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc khác biệt, thậm chí ‘điên rồ’ được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
|
18 quỹ đầu tư cam kết 10.000 tỷ đồng
Quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định sẽ đầu tư cho startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II/2019. Quỹ VinaCapital thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 Quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc Quỹ này dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các start-up tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Golden Gate Ventures cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển startup và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại buổi lễ cũng đã chia sẻ thông tin về Quỹ mới nhất của EU, trị giá 3 tỷ euro dành cho các startup.
|
Bung Trần
www.khoahocphattrien.vn (nnttien)