Ảo tưởng khởi nghiệp: Lập một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo
Trong một lĩnh vực phức tạp và rủi ro như khởi nghiệp, doanh nghiệp luôn cần phải có kế hoạch hành động. Bạn không thể thành công nếu chỉ đơn giản làm những việc bất chợt nảy ra trong đầu. Lập kế hoạch giúp định hướng những hành động, giảm thiểu rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, đây cũng là cách để giảm bớt những áp lực không đáng có trong một lĩnh vực vốn đã nhiều áp lực như khởi nghiệp.
Chính bởi quan điểm đó, nhiều doanh nghiệp đã bị thôi thúc đi theo con đường khác biệt với số đông, mặc kệ cho những gì được xem là tri thức từ xưa đến nay. Tuy nhiên, là một doanh nhân, bạn cần hiểu được rằng trở nên quá khác biệt sẽ rất nguy hiểm, nếu sự khác biệt đó không xuất phát từ một mục đích hợp lý.
Trọng tâm và tầm nhìn hẹp của một số nhà sáng lập startup có thể khiến họ bị che mắt bởi những sai lầm trầm trọng. Và nếu không muốn bản thân mình bị rơi vào trường hợp như trên, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây
Biết và hiểu được điều gì người khác làm tốt và không tốt
Nếu muốn biến bản thân khác biệt so với những người khác, bạn cần cơ hội. Và cơ hội nằm ở việc bạn thấu hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ. Nếu người khác đã tạo ra một sản phẩm quá tốt, kéo theo sự yêu thích của nhiều người tiêu dùng, thì việc trở nên khác biệt của bạn sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Nói cách khác, khách hàng thường không đổi sản phẩm, dịch vụ nếu hai sản phẩm hay dịch vụ đều hoàn hảo theo những cách khác nhau. Chính vì vậy, việc bạn cần làm là sửa chữa một bất cập hoặc giải quyết một vấn đề nào đó (mà đối thủ không làm được) để khiến khách hàng có thể từ bỏ nơi cũ và đến với công ty của bạn.
Tôn trọng tiêu chuẩn chung
Nếu nhìn lại những thứ đã mua và sử dụng trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy rằng có một số đặc điểm được thống nhất, bất kể lĩnh vực hoặc quy mô. Và dĩ nhiên, điều này có cơ sở của nó. Thị trường luôn có một mức sàn nhất định – và tất cả mọi loại hàng hóa đều cần phải đạt được mức sàn này để có thể thu hút người tiêu dùng.
Nếu sản phẩm khác biệt nhưng không đạt được những tiêu chuẩn sàn này, thì người tiêu dùng sẽ không chú ý. Bởi suy cho cùng, đó là những điều cần thiết để họ cân nhắc về một sản phẩm.
Biết được khách hàng muốn gì
Rất nhiều nhu cầu của khách hàng chỉ là những điều bình thường. Tuy nhiên đồng thời cũng có rất nhiều doanh nhân chỉ say mê với ý tưởng và sự đổi mới, phá cách của mình mà quên đi nhu cầu thực sự của khách hàng. Khi đó, họ đang đem hệ quy chiếu của mình áp lên khách hàng. Nếu không cẩn thận xem xét, cái họ cung cấp và cái khách hàng cần sẽ chẳng ăn nhập gì với nhau.
Chính vì vậy, bạn cần lắng nghe những ý kiến, những góp ý từ nhiều người khác, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang muốn phát triển. Những lời góp ý (cả tích cực lẫn tiêu cực) xung quanh quá trình xây dựng một sản phẩm sẽ giúp bạn tránh được những tình trạng sản phẩm ấy làm ra chỉ phù hợp với một số ít khách hàng, hoặc thậm chí chẳng có ai.
Tựu chung lại, các nhà sáng lập startup nên thoải mái nghĩ đến những ý tưởng lớn và táo bạo, về cách họ có thể thay đổi nền công nghiệp và cả thế giới ra sao. Và dĩ nhiên, thế giới cũng rất cần những ý tưởng sáng tạo ấy.
Tuy nhiên tất cả đều phải có mức độ. Nếu chỉ chăm chăm vào khác biệt mà chấp nhận vứt bỏ những điều tốt, những tri thức người đi trước đã truyền lại, thì hậu quả sẽ rất lớn. Sáng tạo là tốt, nhưng hãy biết tạo ra điều mới từ một nền tảng vững chắc nhất có thể.
Tuy nhiên, lập kế hoạch có thể trở thành con dao hai lưỡi. Nhìn chung, lĩnh vực khởi nghiệp đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng tập trung vào những mục tiêu chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, những kế hoạch thì luôn “bất động” trên các trang giấy và thường không thay đổi là mấy.
Điều này không đồng nghĩa với việc nếu bạn không thảo kế hoạch ra giấy, bạn sẽ an toàn tránh khỏi những rắc rối này. Ngược lại, bạn cần hiểu rằng các kế hoạch và mục tiêu của doanh nghiệp nên là kim chỉ nam linh hoạt, có thể thay đổi được; thay vì là một đường ray khiến bạn không thể thay đổi lộ trình bất kể hoàn cảnh.
Dĩ nhiên, việc lập kế hoạch phù hợp cần nhiều thời gian và công sức, thậm chí cả những lần thử nghiệm và sai sót. Nếu bạn đang ở trong giai đoạn này, có thể cân nhắc những lời khuyên dưới đây.
Tập trung vào kế hoạch dự phòng
Lập kế hoạch để mọi thứ theo đúng kế hoạch không hề khó. Trong niềm lạc quan ấy, con đường đi đến thành công trông có vẻ thật bằng phẳng và sáng sủa. Đồng thời, bạn cũng dễ dàng “bỏ quên” những dự trù về thất bại hoặc bước lùi. Và một khi thất bại thực sự xảy ra, người ta dễ bị hoảng loạn.
Vì vậy, bạn cần có những ý tưởng về việc tiếp cận vấn đề nếu như các trường hợp xấu xảy ra, hoặc các phương án khác không như mong muốn. Điều này giúp bạn tiếp tục bước về phía trước thay vì mắc kẹt trong sai lầm.
Định kỳ đánh giá lại
Kế hoạch được lập trong một khoảng thời gian, với những quan điểm và thông tin người ta có trong khoảng thời gian đó. Nếu chỉ tập trung vào bản kế hoạch ban đầu và duy nhất ấy, bạn rất dễ thất bại. Bởi vì nếu dấn thân vào thực hành, các trải nghiệm sẽ đem đến cho bạn nhiều bài học kinh doanh mới mẻ và bổ ích. Khi ấy, những bản kế hoạch ban đầu sẽ trông rất lạc hậu khi nhiều thứ đã thay đổi.
Vì vậy, bạn cần dành thời gian để xem xét và đánh giá lại những gì bạn muốn làm, hoặc cách thức bạn thực hiện. Điều ấy giúp bạn tạo được một bản kế hoạch phù hợp với cả mục tiêu doanh nghiệp lẫn những tình huống đời thường mà bạn đối mặt.
Đừng quá tập trung vào chi tiết
Chi tiết rất quan trọng, nó có thể quyết định thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên một kế hoạch kinh doanh quá chi tiết có thể đem lại những rắc rối nhất định.
Hãy tưởng tượng doanh nghiệp của bạn là một hành trình, và các mục tiêu nằm rải rác trên hành trình ấy. Bạn có thể thấy được hình dáng, đường nét, thậm chí là màu sắc. Thế nhưng những chi tiết nhỏ hơn thì đã vượt quá tầm nhìn của bạn.
Nói cách khác, nét riêng biệt trong xây dựng một dự án kinh doanh cần phù hợp với những gì bạn có thể nắm chắc trong tay. Tập trung quá nhiều vào chi tiết sẽ không giúp ích gì ngoài việc khiến bạn thất bại trong việc đáp ứng những chi tiết đó.
Tầm quan trọng của lập kế hoạch kinh doanh là không thể phủ nhận. Mỗi doanh doanh nếu muốn phát triển và thành công về lâu về dài cần có một kế hoạch vững chắc. Tuy nhiên cách sử dụng kế hoạch như thế nào, hoặc kế hoạch sẽ diễn ra như thế nào, đều là những mặt quan trọng không kém sự tồn tại của chính kế hoạch ấy.
Một kế hoạch nghèo nàn, dù cho có được thi hành tốt đến đâu, cũng không hữu dụng hơn việc không lập kế hoạch là bao. Tương tự, một kế hoạch cũng chỉ có thể hữu dụng trong một khoảng thời gian nhất định, và chẳng còn tác dụng nếu mọi thứ đã đi quá xa so với các giả định ban đầu. Vậy nên, kế hoạch được lập cần có sự khéo léo, linh hoạt, và phù hợp với những mục tiêu bạn mong muốn đạt được.
Hải Vy (Theo Forbes)