SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

FTA châu Á - "rào cản" mới của RCEP?

[26/06/2019 16:03]

Trung Quốc vừa đề xuất một hiệp định tự do thương mại (FTA) mới cho châu Á, tuy nhiên, sẽ không có sự tham gia của Ấn Độ, New Zealand và Australia.

Việc Trung Quốc đề xuất một hiệp định thương mại châu Á mới, sẽ tạo rào cản cho đàm phán RCEP

Asia Nikkei Review đưa tin, khi các quan chức kinh tế cao cấp của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc họp vào tháng 4, Bắc Kinh đã đề xuất một hiệp định đối tác 13 thành viên. nhưng không có ba nước Ấn Độ, New Zealand và Australia.

Cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Mỹ đã khiến Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán về RCEP, một thỏa thuận thương mại bao gồm 10 quốc gia Asean cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, sự chậm trễ do việc đàm phán giữa các quốc gia, cụ thể là do mâu thuẫn giữa Ấn Độ và 15 nước còn lại, đã khiến Trung Quốc cảm thấy bực bội.

Tính đến nay, chỉ có bốn trong số 21 chương trong Hiệp định RCEP đã được hoàn thành sau cuộc đàm phán giữa tháng 10/2018 tại Singapore. Sau đó, đã có một vài tiến bộ như Ấn Độ đưa ra một số mức thuế quan rõ ràng. Nhưng đồng thời với đó, các chướng ngại vật dường như quá nhiều và lớn để vượt qua trong một khoản thời gian lớn khi vẫn còn bất đồng về các quy tắc đầu tư và sở hữu trí tuệ. 

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc dường như đang cố gây áp lực lên Ấn Độ và Australia sau khi hai quốc gia này cùng với Nhật Bản và Mỹ phát triển chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở”, bao gồm nhiều gói hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều nước trong khu vực.

Các quốc gia như Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ngay lập tức phản đối ý tưởng này, vốn khá giống hiệp định thương mại RCEP. Nhưng các chuyên gia cũng đã cảnh báo, nếu RCEP tiếp tục trì hoãn, Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy một Hiệp định Thương mại mới cho khu vực châu Á.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, sự thiếu hụt các thị trường lớn như Úc và Ấn Độ sẽ làm quy mô hiệp định thương mại RCEP thu nhỏ lại đáng kể, đồng thời giảm GDP mà Hiệp định này đóng góp. 

"Cả Ấn Độ và Australia đều là những thị trường lớn trong khu vực. Đặc biệt, ASEAN và Ấn Độ cùng nhau tạo nên một thị trường gồm 2 tỷ người và có GDP 5 nghìn tỷ USD. Hiện nay, Ấn Độ đang xem xét và đánh giá lại về RCEP, nên sự thiếu hụt của một thị trường lớn trong khu vực sẽ gây ra sự thâm hụt lớn", Sanchita Basu Das - Trung tâm Nghiên cứu ASEAN nhận định.

Về ưu điểm, nhiều nước châu Á đánh giá cao sự cần thiết của các liên minh thương mại để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng các chuyên gia cho rằng, sự không chắc chắn từ cuộc chiến thương mại lớn đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ "Đại suy thoái" khiến một số nước đang xem xét lại việc tham gia vào quá nhiều các cam kết thương mại dài hạn.

Hơn nữa, hiệu quả kinh tế của RCEP hiện đều được các quốc gia đánh giá cao khi giúp giảm thiểu hóa những rào cản phức tạp này bằng việc hệ thống lại các quy định, thủ tục hải quan và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại.

Đồng thời, các doanh nghiệp ASEAN khi giao dịch với các nước trong khối RCEP sẽ chỉ cần tuân theo một thủ tục duy nhất thay vì phải lần mò trong 5 FTA riêng biệt như hiện nay. Điều này rõ ràng sẽ giúp thuận lợi hóa việc kinh doanh trong khu vực và sẽ giúp khối ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư.

Dự kiến, RCEP sẽ tăng thu nhập thực tế toàn cầu ước tính khoảng 286 tỷ USD mỗi năm (khoảng 0,2% GDP toàn cầu) sau khi hoàn thành vào năm 2030. Lợi nhuận tuyệt đối sẽ lớn gần gấp đôi so với CPTPP do quy mô của RCEP lớn hơn. Đồng thời, khơi dậy mối quan tâm trong hội nhập khu vực rộng lớn hơn, như một con đường hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đến Khu vực thương mại tự do của châu Á -Thái Bình Dương.

Sắp tới, ASEAN đã lên lịch một phiên họp đặc biệt ngày 22/6 tới để thúc đẩy đàm phán. Mặc dù cơ hội để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay là khá ảm đạm, nhưng các quan chức thương mại vẫn tin tưởng các cuộc đàm phán sẽ được hoàn thành vào tháng 11.

Theo enternews.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ