Khởi nghiệp du lịch 4.0: Những vướng mắc cần phải giải quyết?
Các trường đại học Việt chưa đưa giáo dục khởi nghiệp thành giáo dục thường xuyên, nên người theo học vẫn tư duy theo lối cũ, không tiếp cận được tư duy mới, công cụ mới. Vì vậy, mô hình kinh doanh ít sáng tạo.
Khởi nghiệp với du lịch 4.0 đang là xu hướng có nhiều tiềm năng và phát triển khá mạnh mẽ. Ảnh minh họa.
Khởi nghiệp với du lịch 4.0 đang là xu hướng có nhiều tiềm năng và phát triển khá mạnh mẽ thời gian qua. Phần lớn ứng dụng được thực hiện bởi những người trẻ am hiểu về công nghệ và nhạy cảm với những xu hướng du lịch mới.
Một số startup trong lĩnh vực này như Triip.me, VNTrips, Tripi… đã thành công khi biết tận dụng những tiện ích của công nghệ để phát triển những sản phẩm sáng tạo, đáp ứng được sự thay đổi thực tế trong tiêu dùng, lựa chọn dịch vụ của du khách hiện đại, từ đó thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nước nhà.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khởi nghiệp với du lịch 4.0 là con đường bằng phẳng, dễ dàng. Trên thực tế, có nhiều dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng khả thi nhưng không thể đi đến cùng vì nhiều nguyên nhân.
Ðào Quang Thuận, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của BedLinker.com cho hay: Áp lực lớn nhất mà một startup công nghệ thường gặp phải là làm sao có đủ nguồn lực để đi nhanh nhất vì chỉ cần chậm hơn một chút, những đối thủ khác sẽ làm thay và vượt mình. Ðiều tạo nên thành công của sản phẩm là ý tưởng, gọi vốn, xác định phân khúc khách hàng… trong khi những bạn trẻ khởi nghiệp thường chưa có nhiều kinh nghiệm.
Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn Lý Ðình Quân cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin để khởi nghiệp du lịch đang phát triển ở nhiều thành phố lớn và lan tỏa mạnh. Thế nhưng, nhìn chung, các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp một số điểm vướng. Ðiểm vướng đầu tiên nằm ở giáo dục khởi nghiệp.
“Các trường đại học của ta chưa đưa giáo dục khởi nghiệp thành giáo dục thường xuyên, cho nên người theo học vẫn tư duy theo lối cũ, không tiếp cận được tư duy mới, công cụ mới, vì vậy, mô hình kinh doanh ít sáng tạo”, ông Quân nói.
Thêm nữa, các nhà đầu tư hiện nay cũng chưa dám đầu tư nhiều cho giai đoạn đưa ý tưởng trở thành mô hình kinh doanh và ra sản phẩm. Ðiều này đòi hỏi, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về khởi nghiệp trong du lịch, cần có sự kết nối các nguồn lực để hỗ trợ các bạn trẻ.
Với ý tưởng tốt mà thiếu công nghệ sẽ được hỗ trợ về công nghệ; giỏi công nghệ mà yếu về thị trường, nguồn vốn sẽ được hỗ trợ kết nối với các nguồn vốn… Khi đó, con đường để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo có hàm lượng trí tuệ cao sẽ được rút ngắn và đến đích nhanh hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn trẻ cũng cần có tư duy rõ ràng để bắt đầu bằng sự phù hợp, thường xuyên tiếp nhận phản hồi để thay đổi và hoàn thiện. Ngoài ý tưởng, nguồn vốn và công nghệ, những người trẻ khởi nghiệp cũng cần biết quản trị doanh nghiệp để hoạt động của mình có khả năng tồn tại bền vững.
Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu, để thực hiện "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" được Chính phủ ban hành cuối tháng 11-2018, ngành du lịch đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là xây dựng dữ liệu để số hóa các tài nguyên du lịch.
Ðây là tiền đề để nhiều ứng dụng mới ra đời và tạo động lực để các bạn trẻ khởi nghiệp bằng du lịch 4.0, từ đó tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch Việt Nam. Sự xuất hiện của những ứng dụng, nền tảng du lịch xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thời gian qua là những dấu hiệu tích cực giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Thảo Nguyên